Bộ GTVT “thúc” các đơn vị sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô. |
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ GTVT trong 6 tháng cuối năm.
Trong nửa đầu năm 2020, các đơn vị thuộc Bộ GTVT đã hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản của 54/54 đơn vị; trên 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến; trên 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; hoàn thành xây dựng và cung cấp 4/6 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, trong nửa đầu năm 2020 vẫn còn một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, kế hoạch, đề án Bộ phê duyệt chưa được các đơn vị triển khai đồng bộ, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; chưa quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ dẫn đến tình trạng chậm tiến độ; nguồn lực về tài chính, con người, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nhưng các đơn vị chưa chủ động tìm kiếm nguồn lực để triển khai nhiệm vụ được giao...
Trước tình hình này, trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ GTVT yêu cầu từng đơn vị triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, các đơn vị bao gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không,.. phải tập trung vào các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao nhưng chưa hoàn thành như cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở mức độ 4; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
Bộ GTVT cũng yêu cầu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng đơn vị đạt từ 20% trở lên; trên 20% dịch vụ công trực tuyến có ký số trên thiết bị di động và có ít nhất 10% hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hoàn thành xây dựng quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính theo danh mục tiếp nhận tại bộ phận một cửa của các đơn vị trong năm 2020, trước ngày 1/8/2020. Đồng thời, khẩn trương xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 85 ngày 1/7/2016 của Chính phủ.
Các đơn vị cũng cần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) về kết cấu hạ tầng giao thông; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện; người điều khiển phương tiện thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị. Hướng tới quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện; người điều khiển phương tiện bằng dữ liệu số.
Các đơn vị tổ chức đánh giá hạ tầng kỹ thuật, từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh các đơn vị ưu tiên bố trí nguồn vốn hiện có của đơn vị, đồng thời nghiên cứu huy động nguồn vốn hợp pháp khác trong quá trình thực hiện. Lưu ý có dự kiến xây dựng kế hoạch kinh phí năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử được giao.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tích hợp thủ tục cấp, cấp lại phù hiệu xe taxi, xe hợp đồng, xe vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe kinh doanh vận tải hàng hoá, xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và Liên thông các thủ tục cấp điện qua lưới điện hạ áp, trung áp.
Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ GTVT cũng cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các nghiệp vụ hành chính để thay đổi phương thức, lề lối làm việc như: họp không giấy, hoàn thành lựa chọn 30% báo cáo để cập nhật vào hệ thống báo cáo trực tuyến.
Các cơ quan như Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Vụ Vận tải… tham mưu Bộ chỉ đạo các Tổng cục, Cục đẩy nhanh xây dựng các bộ CSDL về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện phục vụ công tác quản lý, điều hành và rà soát các nội dung của CSDL đảm bảo phục vụ khai thác, sử dụng tại các cấp sau này.
Để tập trung nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ cung yêu cầu Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch tham mưu cho Bộ các nguồn lực xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai 3 đoạn 2021-2025 để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử.
Duy Vũ
Kết nối PayGov, Bộ VHTT&DL và Quảng Ninh vượt mốc 30% dịch vụ công online mức 4
Nhờ kết nối qua Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chỉ tiêu cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4.