Có việc phải về quê Phủ Lý (Hà Nam), tối hôm trước anh Quang (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) bốc máy gọi nhà xe quen. Đúng 6h30 sáng hôm sau, xe Limousine 16 chỗ đã chờ đón 4 thành viên gia đình anh Quang tận cửa. Trên xe vài người ngồi sẵn.
Anh Quang cho biết, anh chọn về quê theo cách này từ mấy năm nay. “Mỗi người mất 100.000 đồng được đưa đón về tận nhà. Nếu đi xe bus từ nhà ra bến Giáp Bát, sau đó bắt xe về quê rẻ hơn khoảng 20.000 đồng nhưng bất tiện hơn nhiều”, anh Quang cho hay.
Xe đón gia đình anh Quang sẽ đi gom khách lẻ trong trục đường Nguyễn Chí Thanh (Quận Ba Đình) vòng ra Cầu Giấy rồi sẽ chạy thẳng về Phủ Lý (Hà Nam) mà không vào bất cứ bến xe nào.
Trường hợp đi xe dù như nhà anh Quang không phải là hiếm gặp. Tại Hà Nội, TP.HCM tình trạng 'xe dù, bến cóc' diễn ra khá phổ biến.
Trên thực tế, dù các địa phương nhiều lần ra quân xử lý, nhưng tình trạng “xe dù, bến cóc” vẫn tiếp diễn phức tạp.
Điều này không chỉ phá vỡ luồng tuyến vận tải hành khách mà còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch các bến xe chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội, TP. HCM.
Theo đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Hà Nội), nửa đầu năm 2023, lực lượng CSGT đã xử lý 1.314 trường hợp ô tô khách dừng đỗ sai quy định, ô tô khách đón khách sai quy định là 114 trường hợp vi phạm.
Trong đó, riêng các phương tiện vi phạm tại khu vực đường Phạm Hùng (gần bến xe Mỹ Đình) chiếm một nửa vi phạm.
Trước thực trạng trên, ngày 28/7, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở GTVT nêu rõ các tồn tại chưa thực hiện được và các giải pháp để khắc phục; báo cáo UBND tỉnh, TP và Bộ GTVT trước ngày 15/8/2023.
Bộ GTVT cũng yêu cầu lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp phường, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm trên địa bàn.
Sở GTVT tổ chức kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô trong việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong đó tập trung kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô có văn phòng đại diện của đơn vị vận tải đặt tại 2 TP. Hà Nội, TP. HCM hoặc phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô hoạt động thường xuyên và hàng ngày kết nối với địa bàn thuộc TP. Hà Nội, TP.HCM (xác định qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô).
Việc kiểm tra được hoàn thành trong tháng 10 và báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT trước ngày 15/11/2023.
Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở GTVT đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô; hoàn thiện các phần mềm quản lý vận tải.
Trước đó, ngày 18/11/2022, Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc và xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố tình trạng xe kinh doanh có phù hiệu xe hợp đồng, có biển hiệu xe du lịch vi phạm hoạt động như tuyến cố định ("xe dù, bến cóc") chưa thuyên giảm.
Có nơi còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố kết nối với TP Hà Nội và TP.HCM (Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, TháiBình, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...).