Bộ GTVT sẽ đề xuất tăng hình phạt với tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh họa: Internet

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật chia sẻ trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: Hiện nay, chúng ta đang có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt. Vừa rồi, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 này trong tháng 6/2019.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTV Nguyễn Văn Thể cũng đã có Chỉ thị yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, ATGT, đặc biệt là người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phòng chống và xử lý vi phạm quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người lái xe cũng cần được đẩy mạnh.

Trong thời gian qua, trên toàn quốc xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân ban đầu của một số vụ tai nạn cho thấy có tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia dẫn đến trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Với quy định hiện tại (ở Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), các tài xế điều khiển ô tô khi tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 16 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi vi phạm này sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tại một số quốc gia như Mỹ, Úc…vi phạm nồng độ cồn khi lái xe thậm chí được xem là một loại tội phạm và thay vì chỉ bị xử phạt hành chính, người vi phạm sẽ hải chịu cả các hình phạt tù hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là người điều khiển giao thông cần có ý thức khi sử dụng rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe.

Sau nhiều vụ "xe điên" gây tai nạn liên hoàn vì rượu bia, mới nhất là vụ xảy ra ở hầm Kim Liên hôm 1/5 khiến 2 phụ nữ thiệt mạng, thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" được chia sẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên các mạng xã hội. Thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong dư luận và trên các mạng xã hội sau vụ tai nạn ở hầm Kim Liên vừa qua. Hậu quả của việc lái xe khi uống rượu bia thì đã được cảnh báo từ lâu, nhưng gần đây chúng ta càng thấy rõ qua những vụ việc nghiêm trọng.

Cũng trong một số liệu do Cục CSGT cung cấp, Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp.