Đại diện Ban soạn thảo cho biết, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT quy định cụ thể trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Theo đó, Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt quốc gia.
UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt địa phương do mình đầu tư.
Cơ quan, tổ chức được giao quản lý, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì và bảo vệ tài sản theo quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng bổ sung quy định "Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác và danh mục tài sản KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư".
Theo Bộ GTVT, việc sửa đổi, bổ sung chính sách này nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Đường sắt 2017 hiện hành và tạo thuận lợi cho quản lý, khai thác hiệu quả tài sản hạ tầng.
Theo đó, Luật Đường sắt 2017 phân loại tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư gồm tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu và tài sản KCHT không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.
Nhưng thực tế cho thấy, phân loại như vậy khó thực hiện vì nhiều tài sản không thể phân loại vào nhóm trực tiếp hay không trực tiếp liên quan đến chạy tàu như: kho bãi, đường bộ trong ga…
Mặt khác, theo Nghị định số 46/2018 quy định về danh mục tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt quốc gia và kết quả thống kê tài sản KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư, toàn bộ tuyến đường sắt, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, đường ngang; hàng rào ngăn cách giữa đường sắt quốc gia và đường bộ; đường vào khu ga nằm trên đất dành cho đường sắt; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thông tin tín hiệu; hệ thống điện… đều là tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến việc chạy tàu.
Theo thống kê, 96% tổng số tài sản công trình kiến trúc là tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến hoạt động chạy tàu, trong khi tài sản không liên quan trực tiếp chỉ chiếm 4% tổng số tài sản công trình kiến trúc. Do đó, việc phân loại tài sản theo quy định của Luật Đường sắt 2017 không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động.
Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, hiện hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản. Cơ chế khai thác hiện tại chưa gắn với thị trường, khi quy định phí sử dụng hạ tầng đường sắt là 8% trên doanh thu vận tải cho tất cả các chuyến tàu.
Ngoài ra, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về tài sản KCHT đường sắt nào được tính phí sử dụng khi phục vụ vận tải, cũng như tài sản nào thuộc đối tượng tính giá thuê sử dụng. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt phải trả cả phí sử dụng và giá thuê KCHT đường sắt cho những tài sản vừa phục vụ kinh doanh vận tải vừa cho thuê, làm giảm năng lực cạnh tranh của họ.
Trước thực trạng này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất chính sách sửa đổi nhằm tách bạch giữa tài sản KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư và tài sản do doanh nghiệp đầu tư trên đất dành cho đường sắt. Đồng thời, cơ chế quản lý và bảo trì tài sản sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đường sắt Việt Nam ra đời vào năm 1881, là một trong những ngành công nghiệp lâu đời của đất nước.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu và chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Đường sắt bắt tay vào chương trình khôi phục và hiện đại hóa với mục tiêu trở thành một trong những ngành vận tải hàng đầu tại Việt Nam, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và hòa nhập với các đường sắt trong khu vực Đông Nam Á.
Ngành Đường sắt đã từng bước nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao an toàn và rút ngắn đáng kể thời gian chạy tàu. Các cầu và ga trên đường sắt Thống Nhất đã được cải tạo và nâng cấp.
Từ năm 1989 đến năm 2003, ngành Đường sắt được cơ cấu lại thành một doanh nghiệp nhà nước mang tên Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc thị trường mở.
Năm 2004, Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử ngành Đường sắt có bộ luật điều chỉnh lĩnh vực của mình.