Như VietNamNet đã phản ánh, dự án Kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Khi thực hiện, dự án khiến gần 400m đường ống nước sạch của Nhà máy nước sạch Mai Thanh (thuộc Công ty Mai Thanh) phải di dời.
Phương án hoàn trả ban đầu được Bộ GTVT đưa ra, là đặt ống đi chìm dưới đáy kênh, nhưng Công ty Mai Thanh không chấp thuận vì cho rằng không đảm bảo chất lượng, khó khăn cho việc khắc phục nếu xảy ra sự cố.
Ngoài ra, dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ gần với nhà máy nước sạch, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước đầu vào do nguy cơ nhiễm mặn gia tăng…
Tranh chấp về phương án hoàn trả đường ống nước sạch kéo dài 3 năm qua. Công ty Mai Thanh có nhiều văn bản kiến nghị, yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn trả bằng phương án đường ống đi nổi.
Trước đó, khi lên phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án kênh nối, chính quyền huyện Nghĩa Hưng “bỏ quên” dự án nước sạch của Công ty Mai Thanh. Cho tới tháng 6/2021, huyện Nghĩa Hưng mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB.
Sự việc kéo dài nhiều năm vẫn chưa thống nhất phương án hoàn trả đoạn ống có chiều dài gần 400m. Tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Công ty Mai Thanh. Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ chậm tiến độ theo thời hạn cam kết với bên cho vay vốn (Ngân hàng World Bank) vừa phải tiếp tục xin gia hạn 1 năm. Trong khi đó, chủ đầu tư nhà máy nước sạch kiên trì đi kêu cứu.
Ngày 25/6/2022, Chính phủ có thông báo yêu cầu Bộ GTVT, UBND tỉnh Nam Định và các ban ngành liên quan có phương án xử lý theo kiến nghị cho Công ty Mai Thanh. Một tháng sau, Bộ GTVT thành lập tổ công tác tổ chức rà soát các phương án hoàn trả đường ống dẫn nước sạch cho đơn vị này.
Đầu tháng 12/2022, Bộ GTVT và tỉnh Nam Định thống nhất hoàn trả đường ống dẫn nước sạch theo phương án đi nổi theo cầu riêng sát cạnh cầu âu, kết cấu là dàn thép.
Ngày 15/12, UBND huyện Nghĩa Hưng, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các dự án đường thủy - đại diện Bộ GTVT (chủ đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ) cùng Công ty Mai Thanh đã có cuộc họp để thống nhất phương án này.
Theo đó, các bên thống nhất các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của phương án đi nổi (phương án 5) công trình di dời, hoàn trả đường ống cấp nước sạch này.
Tuy nhiên, Công ty Mai Thanh tiếp tục không đồng tình và cho rằng, công trình hạ tầng kỹ thuật phải do chủ đầu tư (Bộ GTVT) có trách nhiệm thực hiện bồi thường, không thể “đẩy” về tỉnh và huyện.
"Công ty Mai Thanh không mong muốn gì hơn là nhận một công trình hoàn trả an toàn cả về trình tự thủ tục, pháp lý và an toàn kỹ thuật, đảm bảo duy trì hoạt động cấp nước bình thường, không làm gián đoạn cấp nước cho 27.000 dân huyện Nghĩa Hưng”, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh nói.