Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Trong đó, cơ quan này đề xuất siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.
Theo Bộ GTVT, Nghị định 10 quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi.
“Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp, cũng như chưa có chế tài bắt buộc phải chấp hành theo quyết định thu hồi…”, Bộ GTVT cho hay.
Để vá “lỗ hổng” này, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22, theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu.
Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký xử phạt, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 - 60 ngày (tùy trường hợp thu hồi) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu.
Các trường hợp quá thời hạn trên đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp, Sở GTVT cập nhật vào Chương trình Quản lý kiểm định để cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm bị xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.
Theo Bộ GTVT, hiện nay hệ thống xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) còn hạn chế, do được xây dựng từ 2015 nên công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hàng tháng chưa được kịp thời; do vậy việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm. Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các Sở GTVT đang phải theo dõi, trích xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được Bộ GTVT lý giải là do nguồn kinh phí để xây dựng, nâng cấp, duy trì và vận hành các hệ thống quản lý hoạt động vận tải hầu như không có. Các hệ thống hiện nay chủ yếu do các đơn vị công nghệ thông tin hỗ trợ xây dựng, vận hành miễn phí.
Để phát huy hiệu quả thiết bị GSHT, Bộ GTVT đề xuất trước mắt sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 22, Nghị định 10 theo hướng: đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h). Thay vì chờ tổng hợp một tháng 5 lần vượt quá tốc độ mới xử lý như quy định hiện hành.
Theo Bộ GTVT, mục đích quy định trên đảm bảo việc xử lý các xe vi phạm tốc độ được kịp thời khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT, nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về tốc độ của người lái xe, đơn vị vận tải.
Đồng tình với đề xuất này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, cho rằng thực tế từ đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả hàng trăm lần (xe Thành Bưởi 246 lần - PV).
Tuy nhiên, điều lạ ở đây là doanh nghiệp vi phạm vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành có “lỗ hổng” về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ.
“Nếu chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu là 30 ngày, thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Đây cũng là lời răn đe, cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc phải có trách nhiệm hơn với tài xế và phương tiện. Nên tôi cho rằng quy định này cần phải sửa sớm”, ông Hùng nói.