Đại diện Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố kết quả đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018.

Hôm nay, ngày 24/5, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị công bố Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2018 ở Trung ương là 18 bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là các bộ), được đánh giá theo bộ tiêu chí cấu trúc thành 7 lĩnh vực, 39 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần.

Đối tượng xác định Chỉ số CCHC năm 2018 ở địa phương là 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh), được đánh giá theo bộ tiêu chí có cấu trúc thành 8 lĩnh vực, 41 tiêu chí, 96 tiêu chí thành phần.

Kết quả Chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương năm 2018 vừa được đại diện Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố tại hội nghị cho thấy, Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ chia thành 2 nhóm. Trong đó nhóm 1 gồm 14/18 bộ có Chỉ số CCHC đạt trên 80%, nhóm 2 gồm 4 bộ có Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2018 của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 82,68%. Năm 2018, không có bộ nào có kết quả CCHC dưới 70%. Tuy nhiên, chỉ có 8 bộ có Chỉ số CCHC năm 2018 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước đạt Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với kết quả là 90,57%. Bộ Giao thông Vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 75,13%. Khoảng cách giữa cơ quan có kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 cao nhất với cơ quan có kết quả thấp nhất là 15,44% (năm 2017 khoảng cách này là 20,23%).

So sánh giá trị Chỉ số CCHC năm 2018 với năm 2017 cho thấy, có 15 đơn vị tăng điểm so với Chỉ số CCHC năm 2017, trong đó Bộ KH&ĐT có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,11%, từ 72,61% năm 2017 lên 80,72% năm 2018. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dù vẫn giữ vững vị trí  thứ nhất tại Chỉ số CCHC năm 2018, song đã giảm 1,79% điểm số so với năm 2017 và 2,11% so với năm 2016.

Với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả PAR INDEX 2018 được phân loại theo 4 nhóm, trong đó nhóm A gồm 9 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 80% trở lên; nhóm B gồm 36 tỉnh, thành phố đạt kết quả CCHC từ 75% đến dưới 80%; nhóm C gồm 15 tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số CCHC từ 70% đến dưới 75%; và nhóm D gồm 3 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giá trị trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình, trong đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63% địa phương đạt kết quả trên 70%. Đáng chú ý, năm 2018 không có địa phương đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất với đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19,53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29,76%).

Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về Chỉ số CCHC với kết quả đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là TP.Hà Nội. Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể về kết quả Chỉ số CCHC năm 2018, đạt 83,71%, tăng 1,8% so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng hợp và đạt kết quả cao nhất trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Các vị trí thứ 4 và thứ 5 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2018 lần lượt thuộc về Đà Nẵng và Hải Phòng.

Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018, có 3 tỉnh đạt kết quả dưới 70%. Phú Yên là tỉnh xếp thứ 63/63 địa phương với kết quả Chỉ số đạt 69,53%. Hai đơn vị khác có kết quả dưới 70% là tỉnh Kon Tum, đạt 69,57%, xếp thứ 62/63 và tỉnh  Trà Vinh, đạt 69,85%, xếp thứ 61/63.