- Sáng 23/7, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiêp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh đã có trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề hiệu trưởng các trường trung cấp tại TP.HCM vừa gửi văn bản kêu cứu.

Sẽ sớm trả lời các trường

Bộ GD-ĐT đã nhận đươc kiến nghị của Hiệu trưởng các trường trung cấp TP.HCM chưa thưa ông? Trách nhiệm xem xét của Bộ như thế nào với những kiến nghị đó?

- Bộ vừa mới nhận được kiến nghị của Hiệu trưởng 16 cơ sở đào tạo TCCN về ngành Y Dược và đang khẩn trương xem xét các kiến nghị của những trường này và sẽ phối hợp với các sở GDĐT địa phương, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để xử lý từng vấn đề một liên quan đến Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. 

Những gì kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT thì Bộ sẽ sớm xử lý và trả lời cho các trường liên quan.

Về trách nhiệm của Bộ GDĐT cơ quan thuộc Chính phủ cần có sự phối hợp với Bộ ngành liên quan cùng giải quyết vấn đề này. 

Trong thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sắp tới trình Thủ tướng phê duyệt để dựa vào đó ngành giáo dục sẽ triển khai quy hoạch tổng thể, tái cơ cấu, sắp xếp mạng lưới các cơ sở từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và ĐH…


{keywords}

 Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiêp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh

Theo ông, việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm ngành Y tế ở những trường này đã hợp lý và đúng quy trình?

- Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một đòi hỏi hết sức cấp thiết hiện nay ở nước ta và cần có yêu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, việc ban hành vội vã Thông tư liên tịch số 26 nói trên thiếu lấy ý kiến của các bên liên quan (như Bộ GDĐT, các trường đào tạo y tế, cơ sở sử dụng lao động…) cũng như đánh giá tác động đối với những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh cung như các tác động khác.

Bộ Y tế và Bộ Nội vụ cũng đưa ra lộ trình thực hiện, nhưng giáo dục lại là ngành hết sức nhạy cảm và đặc thù…. Vì vậy cần nghiên cứu cẩn thận để đưa ra quyết định. 

Trước đây vào đầu những năm 2000, Bộ Y tế cũng đã cấm sử dụng nhân lực Y sỹ có trình độ trung cấp, hậu quả mấy năm sau chúng ta bị khủng hoảng do thiếu nhân lực y sỹ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các xã và cho y tế doanh nghiệp, trường học. Về sau Bộ Y tế lại cho phép tuyển dụng trở lại…. 

Một số ý kiến của Bộ Y tế cho rằng chúng ta có 8 ngành nghề công nhận lẫn nhau trong đó có ngành Điều dưỡng, nhưng đến giờ phút này - tôi là một trong những người tham gia xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN thì chúng ta chưa có văn bản ký thỏa thuận cấp chính phủ về việc công nhận ngành Điều dưỡng phải có trình độ CĐ hay ĐH.

Thay tên đổi họ cho trường cần quy hoạch tổng thể

Trong kiến nghị, hiệu trưởng các trường có đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem xét đổi tên Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) thành CĐ hai năm cho phù hợp với quy chuẩn chung quốc tế. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Ở đây cần chú ý không phải mọi trường TCCN đổi thành CĐ hai năm như các trường CĐ cộng đồng hoặc CĐ của Canada, Mỹ hoặc của Malaysia để thay tên đổi họ thành CĐ.

Mọi trình độ đều được thiết kế từ đòi hỏi tiêu chuẩn nghề nghiệp trong thị trường, để từ đó xác định vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, mô tả việc để xây dựng các tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng và khả năng áp dụng kiến thức kỹ năng trong việc làm.

{keywords}

Văn bản kiến nghị có ký tên đóng dấu của hiệu trưởng các trường trung cấp tại TP.HCM

Sau đó mới đến các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện, đánh giá theo các tiêu chuẩn. Như vậy, với quy mô trên 98% tuyển sinh cho đối tượng tốt nghiệp THPT vào học TCCN là bất cập rất lớn và cần quy hoạch để có các trường CĐ thực hiện hầu hết các chương trình 2 năm như tất cả các quốc gia khác đang thực hiện.

Việc làm này vừa tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, chi phí cơ hội, chi phí của cải vật chất do kéo dài thêm một năm. Tất nhiên, để có sự thay đổi này đòi hỏi phải có quy hoạch lại hệ thống, có khung trình độ quốc gia, có chương trình đào tạo thực tế hơn (bỏ đi những nội dung không giúp hình thành năng lực nghề nghiệp nhiều), đổi mới công nghệ đào tạo và năng lực đội ngũ cùng cơ sở vật chất đi kèm.

Lý do các trường đưa ra đề nghị các bộ xem xét sửa lại và tạm ngừng thực hiện thông tư liên tịch số 26 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế có đủ cơ sở để xem xét không, thưa ông?

- Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thiếu nghiên cứu, đánh giá tác động khách quan, mang tính áp đặt chủ quan thì cơ quan ban hành phải chịu trách nhiệm trước hàng chục trường trung cấp Y tế sẽ trở thành trường hoang...Tôi đi nhiều địa phương các trường trung cấp đều kêu lắm không phải chỉ các trường ở TP.HCM đâu.

Nhân lực y tế đòi hỏi phải được đào tạo có chất lượng. Vì thế, ngành Y tế cũng cần rà soát chính sách, chiến lược phát triển nhân lực Y tế trong bối cảnh mới, để từ đó thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật. 

Đồng thời xây dựng lộ trình (road map) để công nhận lẫn nhau các trình độ thuộc ngành Y tế trong khu vực ASEAN để từ đó tư vấn, giúp cho các nhà đầu tư, các cơ sở cung ứng nhân lực có chiến lược để phát triển nhà trường.

- Cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hiền (thực hiên)