- Ngày 1/4, Bộ GD-ĐT đồng ý cho phép 8 trường ĐH gồm: Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông vận tải, Mỏ Địa chất, Công nghiệp được tuyển sinh theo nhóm.

>> CHI TIẾT ĐỀ ÁN TUYỂN SINH CỦA 8 TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký cho biết, Bộ xác nhận Đề án tuyển sinh theo nhóm trường (Đề án) do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đã đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm công khai đề án lên trang thông tin của trường và các phương tiện truyền thông để thí sinh biết.

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Các trường cập nhật kịp thời danh sách các trường mới tham gia thêm vào Đề án (nếu có) trên trang thông tin điện tử của mỗi trường; đồng thời phổ biến, tập huấn cho cán bộ, giảng viên về đề án.

Tuyển sinh theo nhóm có gì mới?

Theo đề án, năm 2016 thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường vào đợt 1 và 3 trường vào các đợt bổ sung, tối đa 2 nguyện vọng vào mỗi trường và không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.

Với quy định mới này, một mặt thí sinh được quyền chọn trường rộng rãi hơn so với kỳ tuyển sinh năm 2015, nhưng mặt khác hiện tượng “trúng tuyển ảo” sẽ tái diễn đối với nhiều trường, gây khó khăn và những xáo trộn trong quá trình tuyển sinh của các trường đại học, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trúng tuyển của thí sinh.

Giải pháp tuyển sinh theo nhóm trường sẽ là một giải pháp cải tiến cần thiết nhằm khắc phục vấn đề nêu trên.

Về nguyên tắc chung, các trường thống nhất sử dụng duy nhất kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường trong nhóm. 8 trường sử dụng chung một phần mềm quản lý dữ liệu ĐKXT và xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì chịu trách nhiệm quản lý.

Các trường sẽ áp dụng chung các tính điểm xét để xét tuyển vào các trường trong nhóm cũng như thống nhất cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/nhóm ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT theo quy định; thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Đáng chú ý, ngoài việc nhận hồ sơ ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến, 8 trường sẽ bổ sung thêm phương thức nhận trực tiếp Phiếu ĐKXT tại các trường.

Tùy theo tình hình tuyển sinh của các trường, duy trì phương thức xét tuyển theo nhóm trường cho các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Điều kiện và cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh

Thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh và thỏa mãn quy định của Bộ GD-ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện

Khi thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm. Thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong Phiếu ĐKXT. Mỗi nguyện vọng đăng ký sẽ bao gồm các thông tin sau: <Mã trường> - <Mã nhóm ngành>

Nguyên tắc xét tuyển

Xét tuyển theo nhóm ngành: Một nhóm ngành bao gồm một hoặc vài ngành, chuyên ngành đào tạo của một trường được ấn định một mã nhóm ngành để xét tuyển (gọi tắt là mã xét tuyển), có cùng tổ hợp môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển.

Xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT): Nếu thí sinh trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả Điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào (1, 2, 3 hay 4) giữa các thí sinh đã đăng ký vào nhóm ngành đó.

Đối với một nhóm ngành, điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển có thể khác nhau. Điểm chênh lệch do các trường quy định cho mỗi nhóm ngành. Điểm chuẩn trúng tuyển cho mỗi nhóm ngành sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp với công thức tính Điểm xét.

Đề án cũng quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các trường tham gia nhóm trong xác định chỉ tiêu, các tổ hợp môn xét tuyển, điểm chuẩn giữa các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành; quy định môn thi là tiêu chí phụ để xử lý tình huống quá nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở ngưỡng trúng tuyển vào một nhóm ngành của trường.

Các trường tự chủ trong việc xét duyệt các hồ sơ đăng ký tuyển thẳng của thí sinh vào trường, xác định chế độ ưu tiên đối với thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh.

Các trường có trách nhiệm thực hiện công khai các thông tin tuyển sinh chi tiết trên rang thông tin điện tử của trường và qua các kênh truyền thông khác để phổ biến rộng rãi cho thí sinh (sử dụng thống nhất một biểu mẫu cung cấp thông tin), tư vấn và giải đáp các thắc mắc của thí sinh.

HĐTS của các trường có quyền được truy cập và sử dụng dữ liệu ĐKXT chung của nhóm với mục đích kiểm tra, giám sát quá trình xét tuyển.

Đề án cũng có quy định việc các trường khác nếu đáp ứng đủ điều kiện của đề án và muốn tham gia.

Trường chủ trì tổ chức thực hiện (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xét tuyển bằng phần mềm với sự tham gia hỗ trợ của các trường trong nhóm. Kết quả xét tuyển được bàn giao cho từng trường.

Việc công bố danh sách trúng tuyển và tiếp nhận Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trúng tuyển là nhiệm vụ của từng trường.

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT, trước thí sinh về phương thức tuyển sinh mới theo nhóm trường.

  • Văn Chung

XEM THÊM: