Chiều nay, ngày 23/3/2017, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT phối hợp cùng Cơ quan chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố ATTT quốc gia Nhật Bản (NISC) tổ chức hội thảo Hợp tác quốc tế về nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT.

Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ đã được đề ra tại “Đề án tuyên tuyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 893 ngày 19/6/2015.

Có sự tham gia của các chuyên gia đến từ NISC và đại diện một số bộ, ngành trung ương, Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT, tại hội thảo các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm, phương pháp nâng cao nhận thức về ATTT tại Nhật Bản và các biện pháp để tăng cường đảm bảo ATTT trong các cơ quan nhà nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, an toàn thông tin đang là vấn đề rất nóng. “Thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, CNTT và gia tăng ứng dụng CNTT, xã hội ngày càng phụ thuộc vào viễn thông, CNTT. Bên cạnh đó là xu thế gia tăng các thiết bị IoT. Đặc biệt là thời gian tới khi Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các thành phố thông minh, nguy cơ mất an toàn thông tin sẽ ngày càng cao”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho biết, thực tiễn đảm bảo ATTT thời gian qua cho thấy, nhận thức, nguồn nhân lực, quy trình và trang thiết bị liên quan đến ATTT là 4 yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng mạnh đến công tác ATTT. Trong đó, 3 yếu tố đầu gồm nhận thức, nhân lực và quy trình đều gắn chặt đến con người.

Nhấn mạnh quan điểm không quá đặt nặng vai trò của yếu tố trang thiết bị, Thứ trưởng lý giải: “Với tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ hiện nay, có thể nói không có trang thiết bị nào dù hiện đại đến đâu có thể đảm bảo chúng ta an toàn. Với điều kiện của Việt Nam, con người vẫn là yếu tố quyết định, đầu tư vào con người là đầu tư đúng hướng trong vấn đề ATTT”.

Theo Thứ trưởng, thực tiễn thời gian gần đây cũng cho thấy, chính những yếu tố liên quan đến con người đang là vấn đề rất nóng liên quan đến đảm bảo ATTT ở nước ta. Đặc biệt, qua một số sự cố mất ATTT thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, vấn đề mất ATTT xảy ra với những lỗi rất sơ đẳng, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người cũng như nhận thức.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng cho rằng, việc tổ chức hội thảo với hội thảo về nâng cao nhân thức và trách nhiệm về ATTT với sự tham dự của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia đến từ NISC của Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng về ý thức tổ chức kỷ luật, tính chuyên nghiệp cũng như ý thức cộng đồng, là điều kiện để các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia Nhật về những thực tiễn đảm bảo ATTT; về việc làm thế nào để tăng cường nhận thức trên toàn xã hội về ATTT cũng như làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ATTT, xây dựng các quy trình chuẩn để ứng phó với các vấn đề ATTT.

Nhấn mạnh học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng hết sức quan trọng trong kỷ nguyên viễn thông, CNTT - kỷ nguyên số, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng mong muốn thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT để làm thế nào một mặt tăng cường nhận thức nhưng mặt khác cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp các chuyên gia, các cán bộ giỏi về CNTT và ATTT cho đất nước trong thời gian tới.

Ở  góc độ của Bộ GD&ĐT, trong tham luận về thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay các em học sinh, sinh viên, thậm chí cả các học sinh Tiểu học đã tham gia vào rất nhiều  hoạt động trên hệ thống Internet, trên các trang mạng xã hội như Facebook. “Chúng tôi nhận thức rằng việc làm thế nào để nâng cao nhận thức về ATTT và bảo vệ thông tin của người học trong các nhà trường là vấn đề hết sức quan trọng”, ông Bá nhấn mạnh.

Khẳng định sự cần thiết phải có những biện pháp để tăng cường bảo mật thông tin cũng như nâng cao nhận thức, ý thức về ATTT cho học sinh, sinh viên, ông Bá cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về ATTT, bảo mật thông tin cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, chẳng hạn như đã đưa những kiến thức về bảo mật thông tin, ATTT vào chương trình học môn Tin học của học; trong môn Giáo dục công dân và một số môn học liên quan đến pháp luật, các kiến thức pháp luật liên quan đến bảo mật thông tin, ATTT, pháp luật về ATTT cũng đã được đưa vào...

Trong 9 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã và sẽ phối hợp cùng Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA); Cục ATTT và Trung tâm VNCERT thuộc Bộ TT&TT; Cục CNTT - Bộ Quốc phòng  tổ chức cuộc thi “Sinh viên với ATTT”.  Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp cùng Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động định hướng cho thanh thiếu niên và sinh viên trong việc sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội và khai thác thông tin trên mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận, các hoạt động đã triển khai vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì thế nhận thức của học sinh sinh viên về ATTT còn khá là ít ỏi, mờ nhạt.  “Nhận thức về ATTT của học sinh, sinh viên trong các nhà trường còn rất hạn chế. Các em còn rất mơ hồ về việc đảm bảo ATTT cho chính mình cũng như cho người khác khi tham gia các hoạt động trên mạng. Từ nhận thức yếu dẫn đến ý thức bảo mật thông tin của các em về ATTT cũng rất hạn chế”, đại diện Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Ông Dương Văn Bá đã lấy trường hợp 2 em học sinh THCS mới đây tấn công website các sân bay Việt Nam để minh chứng cho mức độ hạn chế về nhận thức, ý thức của học sinh về ATTT. “Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, hai em học sinh này tấn công vào các website sân bay xuất phát từ mong muốn thể hiện bản thân, muốn làm cho nổi, muốn thử xem hệ thống bảo mật của các sân bay như thế nào. Các em không hiểu hết được ảnh hưởng từ những hành động của mình cũng không biết mình làm như vậy là vi phạm pháp luật về ATTT”, ông Bá nói.

Ông Bá cũng cho biết thêm: “Không những thế, học sinh của chúng tôi nhiều em đã phải tự tử, bỏ học, trở thành những người không hoàn thiện về mặt thần kinh sau khi bị lộ thông tin trên hệ thống mạng. Điều này hết sức nguy hiểm với các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh THCS và THPT - đối tượng đang ở lứa tuổi hết sức nhạy cảm, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các em trong cả quá trình sau này”.

Từ thực trạng kể trên, ông Bá cho hay, thời gian tới, bên cạnh việc sẽ phối hợp với các đơn vị để tiếp tục triển khai các hoạt động đã làm trong những năm qua, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT để triển khai thêm nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức về ATTT, bảo mật thông tin cho học sinh sinh viên.

“Tới đây, chúng tôi sẽ đưa nội dung về ATTT và pháp luật ATTT vào môn học Tin học với thời lượng nhiều hơn, khối lượng kiến thức lớn hơn để các em học sinh trong các nhà trường được trang bị, cung cấp nhiều thông tin hơn”, ông Bá cho biết.