Ngày 9/4, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng yêu cầu rà soát tổ hợp và phương thức xét tuyển, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều hình thức tuyển sinh. Các tổ hợp môn phải dựa trên kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà ngành học yêu cầu. Riêng nhóm ngành sư phạm cần có quy định rõ về kiến thức môn học tương ứng.

Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển và tổ hợp xét tuyển.

Bộ GD-ĐT lưu ý, từ năm 2025, học sinh THPT học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, được lựa chọn môn học. Vì vậy, nếu sử dụng tổ hợp không chứa môn cốt lõi, có thể dẫn tới việc thí sinh trúng tuyển nhưng chưa từng học môn đó trong suốt 3 năm phổ thông.

Một số trường gần đây gây tranh cãi khi tuyển sinh ngành Y mà không có môn Sinh, hoặc ngành Sư phạm Lịch sử nhưng tổ hợp lại thiếu môn Lịch sử. Trường ĐH Hòa Bình tuyển sinh ngành Y bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), A01 (Toán, Lý, Anh)... Trường ĐH Thủ đô Hà Nội xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử bằng D01, C04 (Toán, Văn, Địa), C14 (Toán, Văn, GD Kinh tế & Pháp luật).

Việc các cơ sở đào tạo tuyển sinh một số ngành học bằng các tổ hợp không có môn chính khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc học của sinh viên cũng như chất lượng đào tạo.

Trao đổi với báo chí trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi học sinh không học tất cả các môn như trước, các trường cần rà soát kỹ tổ hợp xét tuyển, đảm bảo đánh giá đúng năng lực, kiến thức đầu vào cho ngành đào tạo.

Bộ GD-ĐT khẳng định: Các trường được quyền tự chủ tuyển sinh nhưng phải tuân thủ quy chế, bảo đảm công bằng và chất lượng đào tạo.