Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại buổi giao ban tuyên giáo ngày 3/1 về đổi mới chương trình phổ thông, còn nhiều hạn chế, nhất là các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK), đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Theo Bộ GD-ĐT, SGK được biên soạn còn một số nội dung chưa phù hợp như một số từ ngữ mang tính địa phương; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách chưa hay; thông tin trong một vài môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.
Do Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 về việc không tổ chức biên soạn 1 bộ SGK (do Bộ GD-ĐT chủ trì thực hiện) nên việc biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử, dịch SGK sang sách chữ nổi Braille theo bộ sách này chưa thực hiện được.
Việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và các môn Ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh còn chậm so với các môn học khác.
Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và THPT, nhất là khi triển khai chương trình phổ thông 2018 có một số môn học mới.
Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên tiểu học, thiếu giáo viên các môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ không đều, nhất là ở các vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Còn tình trạng thiếu trường lớp ở một số địa phương, đặc biệt ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Một số địa phương thực hiện dồn ghép cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Việc mua sắm thiết bị dạy học tại các địa phương không đảm bảo tiến độ.
Theo Bộ GD-ĐT, các vấn đề về việc lựa chọn SGK; tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình phổ thông 2018 (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học) thuộc trách nhiệm của các địa phương.
Thực tế, việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương của một số nơi còn chậm, gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình.
Hiện nay, một số địa phương chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học.
Để tháo gỡ các tồn tại trên, Bộ GD-ĐT cho hay, bên cạnh những nỗ lực từ ngành còn cần sự vào cuộc của các địa phương, sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thông qua các chính sách.
Bộ GD-ĐT cho rằng, cần ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng; thực hiện các chính sách trong học tập cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh khuyết tật.
Các địa phương cần rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông. Cùng đó, nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng,...
Về phần mình, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế ngành giáo dục; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên.
Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội khi thẩm định phương án phân bổ dự toán ngân sách hàng năm bảo đảm tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực; chi đầu tư phát triển tách riêng ngành giáo dục để đảm bảo tối thiểu tổng chi theo quy định.
Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Bộ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 (ưu tiên miền núi, biên giới, hải đảo, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực khó khăn). Bên cạnh đó, xem xét, ban hành chế độ đặc thù phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.