VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT): 

- Mới đây, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc này ra sao?

Việc rà soát các chứng chỉ bồi đưỡng đối với công chức, viên chức của các Bộ, ngành thời gian vừa qua là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản số 1242/BGDĐT-NGCB, ngày 31/3/2021 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kí báo cáo Thủ tướng về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức ngành giáo dục.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành chỉ rà soát đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, còn Bộ Nội vụ là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và tham mưu, đề xuất hướng giải quyết phù hợp với thực tiễn và đặc thù của các Bộ, ngành.

Về quan điểm, Bộ GD-ĐT hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất. Tại thời điểm này, việc rà soát và có những điều chỉnh quy định về công tác bồi dưỡng, cấp và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

{keywords}
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT).

Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc của các Bộ, ngành thời gian vừa qua cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã thực sự cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản biện của dư luận xã hội cũng như của các đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách để xây dựng, điều chỉnh các chính sách đảm bảo vừa đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Bộ GD-ĐT trong thẩm quyền của mình và trong quy định của pháp luật cho phép, đã bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

- Có phải trước đó Bộ GD-ĐT từng có kiến nghị về việc bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên?

Việc rà soát quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GD-ĐT chủ động triển khai và đề xuất với Bộ Nội vụ từ năm 2020. Cụ thể là trong quá trình góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và xây dựng các thông tư thay thế các thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề cập đến nội dung này.

Lần thứ nhất là công văn số 2814 ngày 29/7/2020 của Bộ GD-ĐT gửi Bộ Nội vụ đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101. Trong đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 theo hướng đối với viên chức ngành giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Lần thứ hai là công văn số 2966 ngày 10/8/2020 của Bộ GD-ĐT gửi Bộ Nội vụ về việc xin cấp mã số hạng và thống nhất các dự thảo thông tư. Trong đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị không quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng mà quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của các năm giữ hạng.

Tại thời điểm năm 2020, các ý kiến đề xuất của Bộ GD-ĐT đã được Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu. Tuy nhiên, do các quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 nên chưa thể có điều chỉnh riêng với viên chức ngành giáo dục. Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Nội vụ trong tổng hợp, đề xuất tham mưu với Chính phủ để cùng các Bộ, ngành giải quyết những tồn đọng, vướng mắc đối với công tác bồi dưỡng công chức, viên chức.

Dự kiến trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về một số vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức ngành giáo dục, trong đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về các nội dung đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ để tiếp tục khẳng định sự đồng thuận từ phía Bộ GD-ĐT.

- Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, đồng nghĩa với việc các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh giáo viên cũng sẽ được bãi bỏ. Vậy việc tiếp theo của Bộ GD-ĐT sẽ là gì, thưa ông?

Cần phải nhấn mạnh rằng, với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GD-ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Thanh Hùng (thực hiện)

13 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên được đề xuất bỏ

13 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên được đề xuất bỏ

Trong 13/87 chứng chỉ bồi dưỡng liên quan đến viên chức mà Bộ Nội vụ đề nghị bỏ thuộc ngành giáo dục. 

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, đáng chú ý có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên.

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài

Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.