Sự việc xảy ra tại tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày 29/12. Khi bước vào phòng con trai, chị Jiang, mẹ của cậu bé, đã phát hiện chồng mình đang chơi điện thoại, còn việc giúp con làm bài tập được “ủy thác” hoàn toàn cho AI.

Cậu con trai kể rằng mỗi khi gặp bài khó, bố bảo em gửi câu hỏi cho chatbot AI. Công cụ được sử dụng là Kimi AI - một sản phẩm của công ty Moonshot AI ở Bắc Kinh, ra mắt tháng 10/2023, với khả năng xử lý 2 triệu ký tự tiếng Trung chỉ trong một lần yêu cầu.

Chẳng hạn, khi cậu bé chụp ảnh một bài toán và gửi vào Kimi AI, chatbot sẽ phân tích chi tiết và cung cấp lời giải cùng các bước thực hiện.

su dung AI.JPG
Một trẻ sử dụng công cụ AI để làm bài tập về nhà. Ảnh: Douyin

Chị Jiang nói với truyền thông rằng chị luôn tin tưởng chồng trong việc giúp con học bài và không ngờ anh lại “nhờ cậy” AI mà chị không hề biết gì.

Cộng đồng mạng chia rẽ ý kiến
Trang South China Morning Post cho biết, câu chuyện của gia đình chị Jiang nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người ủng hộ, cho rằng AI có thể phân tích vấn đề nhanh và rõ ràng hơn giáo viên, đồng thời đưa ra ví dụ dễ hiểu.

“AI giúp việc học hiệu quả hơn. Nó không chỉ giải bài mà còn cung cấp cách tiếp cận sát thực tế”, một người dùng mạng nhận xét.

Tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng việc lạm dụng AI có thể làm trẻ em mất khả năng tư duy độc lập. “Nếu trẻ quen dựa dẫm vào AI để xử lý mọi vấn đề, chúng sẽ không học được cách tự giải quyết khó khăn”, một ý kiến phản đối.

Một phụ huynh khác cũng cảnh báo: “AI không phải lúc nào cũng đúng. Trẻ cần được học cách kiểm tra thông tin và tự giải quyết vấn đề”.

Phụ huynh tìm cách giảm áp lực kèm con học

Câu chuyện của ông bố này không phải trường hợp duy nhất tại Trung Quốc. Một người cha ở tỉnh Giang Tô cũng chia sẻ rằng ông dùng camera để giám sát con học từ xa, đồng thời sử dụng ChatGPT để kiểm tra và sửa lỗi bài tập.

Nhiều ông bố bà mẹ cho biết họ phải nhờ đến công nghệ vì áp lực công việc quá lớn, trong khi giáo viên liên tục yêu cầu phụ huynh kèm con tại nhà.

“Việc sử dụng AI giúp giảm gánh nặng cho chúng tôi”, một phụ huynh chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cảnh báo rằng áp lực từ việc dạy con học đã khiến một số cha mẹ bị căng thẳng quá mức, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như đau tim hay đột quỵ.

Một người dùng mạng hài hước bình luận: “Đó là kết quả của việc giao bài tập cho những ông bố lười biếng”.