Sáng 17/5, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam phối hợp với Binh đoàn 12 và Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971 đến năm 1975”.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng là dịp để nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn vị trí, vai trò, những đóng góp của thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Thực hiện chủ trương chiến lược hết sức sáng tạo của Đảng, tháng 5/1959, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh ra đời, đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng ba nước Đông Dương nói chung trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nêu rõ, suốt 16 năm thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận tải, chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, Bộ đội Trường Sơn vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, hoàn thành vai trò của một chiến trường tổng hợp, là căn cứ chiến lược vững chắc của ba nước Đông Dương.
Bộ đội Trường Sơn còn là lực lượng trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu, lực lượng dự bị chiến lược của bộ, trực tiếp tham gia và phối hợp tác chiến với các lực lượng khác trong các chiến dịch lớn, nhất là các chiến dịch từ năm 1971 đến 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Là đơn vị tiếp nối truyền thống của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, Binh đoàn 12 đã phát huy truyền thống Anh hùng, phát triển cả về tầm vóc, quy mô; tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu Trường Sơn, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hạ tầng chiến lược, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự điểm lại tiến trình lịch sử khi ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, sau gọi là Đoàn 559.
“Đoàn công tác quân sự đặc biệt” có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng chi viện cho chiến trường miền Nam, đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân - chính - đảng vào Nam, ra Bắc theo yêu cầu của cuộc kháng chiến.
Trải qua 16 năm (1959 - 1975) liên tục mở đường, vận chuyển, chiến đấu bảo vệ tuyến chi viện chiến lược, phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn 20 tỉnh của ba nước Đông Dương, Bộ đội Trường Sơn được quan tâm xây dựng, đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức, biên chế, trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm, với địa bàn và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, hiệu quả.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được mạng đường vận tải chiến lược được ví như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, trở thành hậu phương chiến lược trực tiếp cho các chiến trường, chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đặc biệt, trong 5 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ của bộ đội Trường Sơn ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu vận tải chiến lược, chi viện cho các chiến trường, chiến dịch. Thời gian này, Bộ đội Trường Sơn có sự phát triển đến đỉnh cao về tổ chức biên chế và lực lượng, trở thành đơn vị binh chủng hợp thành quy mô lớn với 9 sư đoàn binh chủng, 12 trung đoàn binh chủng cơ động, 1 sư đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa do Bộ phối thuộc.
Trong đó, có 2 sư đoàn và 2 trung đoàn xe vận tải với hơn 10.000 xe vận tải các loại, tổng quân số (kể cả lực lượng phối thuộc và thanh niên xung phong) là 120.000 người.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh khẳng định, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận tải chi viện chiến lược, là một chiến trường tổng hợp, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa Bộ đội Trường Sơn và đế quốc Mỹ, tay sai.
Đây cũng là nơi biểu hiện sinh động sự hội tụ sức mạnh, niềm tin, ý chí kiên cường không chịu khuất phục trước kẻ thù, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tình đoàn kết quốc tế của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng gắn với đường Trường Sơn huyền thoại
Cuộc tiến công thần tốc của quân đội ta sau này được giải mã gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, và Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên.