Xin Thượng tướng đánh giá về tầm quan trọng của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc?
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho quân đội và chúng ta đã tiến hành được 5 năm. Ý nghĩa đầu tiên của việc chúng ta tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh của thế giới. Chúng ta là quốc gia có uy tín, đã nói là làm và chúng ta tham gia Liên Hợp Quốc không chỉ bởi mong muốn Liên Hợp Quốc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam mà cũng đóng góp vào những hoạt động của Liên Hợp Quốc, mặc dù chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn.
Ý nghĩa thứ hai khi chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là để quảng bá và tôn vinh hình ảnh của đất nước, của quân đội Việt Nam, của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Ở đây không chỉ là ngoại giao đơn thuần mà là làm thật, việc thật. Đó là một thử thách và đối với nhiều quốc gia và là một thử thách rất khó khăn. Quân đội làm tốt nhiệm vụ của mình là quảng bá hình ảnh đất nước.
Và không chỉ như thế, Quân đội Việt Nam lại là một đội quân mẫu mực, là đội quân không vi phạm kỷ luật, không vi phạm các quy định của Liên Hợp Quốc. Quân đội Việt Nam là đội quân có chuyên môn giỏi, đây là đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Mặt khác, khi rèn luyện kỹ năng công tác, hoạt động và chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt ở những khu vực xa xôi như châu Phi sẽ tạo cho chiến sĩ của chúng ta những kỹ năng mới, yêu cầu mới theo quy chuẩn của thế giới.
Tôi ví dụ như hoạt động quân y, bác sỹ quân y của chúng ta có thể chữa bệnh rất tốt nhưng Liên Hợp Quốc có hơn 90 quy trình chuẩn để mà bất kỳ một bệnh nào, trường hợp bệnh nhân nào cũng phải theo đúng quy trình ấy. Chúng ta phải rèn luyện cho bộ đội để không bị sai sót, không phạm lỗi trong quy trình khắt khe đó.
Chúng tôi cũng đã thấy bất ngờ và tự hào khi bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục. Đây là các kỹ năng mà quân đội của nhiều nước mong muốn có được, ví dụ như khả năng thích nghi trong môi trường khắc nghiệt, khả năng tổ chức cuộc sống. Bộ đội ta rất giỏi khả năng ứng phó trong những điều kiện không đầy đủ, chỉ trong thời gian rất ngắn đã trực chiến và chữa bệnh cho số lượng lớn bệnh nhân quân sự và dân sự.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: VGP |
Ý nghĩa cuối cùng khi chúng ta tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là tạo môi trường thử thách cho các cán bộ, chiến sĩ. Công tác ở địa bàn xa là bài tập kiểm tra lại xem người lính Việt Nam sẽ làm việc như thế nào, năng lực đến đâu. Và kết quả, chúng ta hoàn toàn yên tâm khi kinh nghiệm của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước đã hoàn toàn có thể áp dụng trong thời bình, để kiến tạo hòa bình và an ninh của đất nước mình cũng như của thế giới.
Thượng tướng có nói trong 5 năm vừa qua, lực lượng gìn giữ hòa bình đã làm được rất nhiều việc. Trong thời gian tới, theo Thượng tướng, chúng ta sẽ đề ra những thử thách, phương hướng và những mục tiêu nào?
Về chủ trương, về những nội dung, bước đi đều đã nằm trong Đề án của Bộ Chính trị và Chính phủ, chúng ta sẽ mở dần các hoạt động quân sự hòa bình Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên là yêu cầu của Liên Hợp Quốc đối với chúng ta trong việc này rất rộng, rất cao. Điều đó cũng xuất phát một phần từ chính chúng ta đã làm rất tốt giai đoạn đầu và đã tạo được sự tin tưởng cho họ. Vì vậy, Liên Hợp Quốc đề nghị chúng ta mở rộng các hoạt động. Ví dụ như bên cạnh Quân y, họ còn mong chúng ta cử đội Công binh đi. Rồi không chỉ là Công binh mà chúng ta dự kiến cử các lực lượng Bộ binh nhưng không tham gia xung đột mà bảo vệ căn cứ, hay các chuyên gia nghiên cứu quân sự, rồi đội sĩ quan cảnh sát đi để làm công tác tham mưu.
Đặc biệt hơn nữa, trong quá trình công tác tại các quốc gia, các phái bộ, Liên Hợp Quốc đã chính thức mời một số sỹ quan của chúng ta làm cán bộ chỉ huy tại phái bộ cũng như ở trụ sở Liên Hợp Quốc. Đây là điều chúng ta hướng đến nhiều năm mà chưa được. Sắp tới đây tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để cử các đồng chí đi với tư cách là sỹ quan chỉ huy của một phái bộ hoặc là sỹ quan tham mưu của trụ sở Liên Hợp Quốc. Đó cũng chính là một sự hiện diện mới của quốc phòng, quân sự Việt Nam ở trên môi trường quốc tế.
Trên cương vị là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về ASEAN 2020 - trong thời điểm công tác chuẩn bị cho các hội nghị, hoạt động quốc phòng-quân sự ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 đang được tiến hành, Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của năm Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc quảng bá hình ảnh quốc phòng, quân sự Việt Nam đối với bạn bè quốc tế?
Năm 2020, Việt Nam là chủ nhà ASEAN, Đảng và Nhà nước đang hết sức quan tâm, chúng ta phải tổ chức thật tốt Năm Chủ tịch ASEAN tại Việt Nam với mục đích hoà bình, ổn định, phát triển cùng hợp tác khu vực và trên thế giới.
Trong chủ trương chung đó, đối ngoại quốc phòng cũng tổ chức một loạt sự kiện quốc phòng, quân sự trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, rộng hơn là các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng như các quốc gia có liên quan.
Chủ trương quan trọng nhất của các hội nghị quân sự, quốc phòng là thể hiện sự minh bạch, mạnh mẽ quan điểm của Đảng, Nhà nước về an ninh quốc phòng và quân sự. Đó là quan điểm độc lập, tự chủ, quan điểm đa phương hoá, đa dạng hoá, quan điểm hợp tác, hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh, tình hình rất phức tạp hiện nay, các nước lớn tăng cường can dự và cạnh tranh chiến lược, tạo nên "nhiệt độ" càng ngày càng nóng lên tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có châu Á-Thái Bình Dương. Mong muốn và nỗ lực Việt Nam hướng tới là làm sao để các quốc gia trong cũng như ngoài khu vực có thể giải quyết bất đồng, khác biệt về lợi ích thông qua đối thoại bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó là mục tiêu quan trọng nhất mà chúng ta hướng tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tập trung, quan tâm đến quảng bá hình ảnh của đất nước và cụ thể ở đây là quân đội ta. Bên cạnh việc quảng bá lịch sử vẻ vang của dân tộc, của quân đội ta qua nhiều cuộc kháng chiến thắng lợi, chúng ta cần tập trung hơn nữa quảng bá tính chất hoà bình, tự vệ của quân đội Việt Nam để bạn bè quốc tế thấy rằng chúng ta củng cố quốc phòng nhằm mục đích củng cố hoà bình, đem lại xu thế đối thoại và hợp tác của quân đội Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng có thể cho biết một số nét nổi bật của Đề án tổ chức các hội nghị quốc phòng, quân sự ASEAN 2020?
Chúng ta vạch ra một đề án hết sức chi tiết với mục đích làm sao các quốc gia tham gia thấy rằng khi đến Việt Nam, ở Hà Nội thì tất cả đều có thể ngồi với nhau bàn về hòa bình và hợp tác.
Với mục đích như vậy chúng ta dự kiến có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN về nâng cao tính đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN với các vấn đề trong khu vực.
Đây là tuyên bố cấp Bộ trưởng ASEAN nhưng cũng đồng thời là tuyên ngôn đối với thế giới về ASEAN mong muốn hòa bình, không quân sự hóa, không muốn cạnh tranh chiến lược tạo ra các xung đột ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh trong khu vực.
Trong khuôn khổ ADMM+, chúng ta mong muốn xây dựng Tuyên bố về tầm nhìn chiến lược, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó vạch ra các nguy cơ, thách thức liên quan tới khu vực đồng thời đưa ra các giải pháp cơ bản để có thể giải quyết các thách thức ấy thông qua đối thoại, bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế tôn trọng lẫn nhau, nước lớn cũng như nước nhỏ, không để cho những nước nhỏ buộc phải lựa chọn phải đứng ở bên này hay bên kia.
Ngoài ra, chúng ta cũng có tuyên bố chủ nhà của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thể hiện quan điểm của Việt Nam và đánh giá sự thành công của năm ASEAN do Việt Nam làm Chủ tịch.
Đây là năm kỷ niệm 10 năm ADMM+ và cũng là một trong những hoạt động rất quan trọng, chúng ta phải đánh giá lại 10 năm qua đã làm gì cho hòa bình, an ninh khu vực, cần phải làm gì nhiều hơn, có cần phải mở rộng nữa không, biến từ diễn đàn đối thoại thành một tổ chức hợp tác hay không? Tất cả những cái này chúng ta đều cân nhắc để lấy ý kiến. Chúng ta cũng sẽ tổ chức một số sự kiện như lễ diễu binh tàu hải quân nhân 65 năm thành lập Hải quân Việt Nam gắn liền với Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN. Lễ diễu binh này không chỉ mời các nước ASEAN mà mời tất cả các quốc gia là đối tác, bạn bè của Việt NAm. Ngoài ra, còn có các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao, quân nhạc và nhiều nội dung khác.
Bên cạnh đó, còn một số nước đối tác đề xuất các sự kiện mà họ mong muốn. Ví dụ như Trung Quốc mong muốn được tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ Trung Quốc và ASEAN. Đây là đề nghị của Trung Quốc, nếu các nước ASEAN đồng ý thì Việt Nam sẽ tổ chức, hoặc ở Trung Quốc hoặc ở Việt Nam, do quyết định chung của ASEAN cũng như Trung Quốc. Nói như vậy có nghĩa là các nước khác khi có yêu cầu tương tự thì chúng ta sẽ đáp ứng miễn là các nước ASEAN đồng thuận và sự kiện đó tạo ra tác động tích cực cho không khí chung của năm ASEAN tại Hà Nội.
Việt Nam dự kiến đưa ra vấn đề gì liên quan đến Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, ví dụ như vấn đề Biển Đông khi diễn biến thực địa ngày càng phức tạp, tại các hội nghị liên quan đến quốc phòng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN?
Một quốc gia đã có nhiều vấn đề quan tâm và thách thức về an ninh, với 10 nước ASEAN thì sự quan tâm ấy có rất nhiều, chưa kể các nước đối tác của khối. Trong khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương hiện nay hội đủ tất cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực.
Ví dụ, vấn đề Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà còn là của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực cũng như các nước có lợi ích liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chúng ta cần khẳng định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực và cả thế giới. Vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để đi đến sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực này. Đây là mối quan tâm mà chắc chắn chúng ta đề cập đến cũng như thách thức về an ninh khác.
Cọ sát chiến lược của các nước lớn là điều tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng cọ sát ấy không được và không nên ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác trong khu vực, mà vấn đề an ninh, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông là một ví dụ.
Chúng ta một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương mà các hội nghị quân sự, quốc phòng của chúng ta sẽ hướng đến.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ký ức về giúp đỡ vô giá của Liên Xô
Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam tới 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 5.000 súng phòng không, 158 hệ thống tên lửa, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 trực thăng, hơn 100 tàu chiến...
Theo VGP