- Nhìn lại cột mốc con gái đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020, ông thấy thế nào?
- Ban đầu, Đỗ Thị Hà giấu gia đình đi thi. Khi đang thi công trạm biến áp ở Bình Thuận, tôi đọc được bài báo có nội dung: "Nữ sinh Kinh tế Quốc dân tiết kiệm từng đồng thi hoa hậu" mới biết con đi thi.
Tôi sống ở nông thôn, không biết môi trường giải trí, thi nhan sắc thế nào. Tôi không nghĩ con gái có ngày đi thi hoa hậu. Trước chung kết, gia đình chỉ mong con vào top 10 là đủ hạnh phúc, nếu được sẽ liên hoan ăn mừng. Có điều trùng hợp là cả chuyến bay lẫn xe khách mà gia đình, xóm làng từ Thanh Hóa vào TP.HCM cổ vũ đều có số hiệu 245 - số báo danh của Hà. Thấy vậy, mấy ông bạn tôi bảo: "Dứt khoát phải hoa hậu thôi" (cười).
Khoảnh khắc con đăng quang, tôi vỡ òa cảm xúc đến mức muốn đứng tim. Niềm vui đến quá đột ngột, khiến tôi khóc không nổi, cười không xong. Kết thúc đêm thi, vợ chồng tôi không gặp được Hà vì con phải đi chụp ảnh, phỏng vấn ngay. Sau đó, cả đoàn đi ăn khuya và thức cả đêm vì cảm xúc lâng lâng.
- Ông đối diện những áp lực nào từ dư luận một năm qua?
- Sau cuộc thi, tôi không biết nhiều người lấy đâu ra hình ảnh nhà cửa mình và khẳng định vợ chồng tôi rất giàu. Nhưng chuyện đó không đúng. Tôi nói thật là gia đình tôi từng khó khăn. Sau khi Hà chào đời, tôi tập trung sự nghiệp, may mắn có một số anh em sẵn sàng cho mượn tiền làm ăn. Đến năm 2014, tôi làm ăn khởi sắc, giúp trả nợ dần và cố gắng xây nhà mới khang trang. Đến giờ, gia đình tôi không dư dả kinh tế, chỉ vun vén đủ cuộc sống.
Một năm qua, tôi cũng theo dõi sát sao hoạt động của con. Trở thành người của công chúng, con đối diện những nhận xét trái chiều. Thậm chí có những bình luận như: "Hà là hoa hậu xấu nhất". Đọc những thông tin đó, tôi không ngủ được, thao thức cả đêm. Thấy vậy, Hà khuyên tôi không cầm điện thoại đọc tin về con nữa. Tôi không sợ dư luận nhưng làm bậc phụ huynh, tôi phải theo sát uốn nắn khi cần thiết. Có những khoảnh khắc con để mặt mộc không đẹp, ăn uống vô tư hay trang phục không phù hợp, tôi liền nhắc nhở ngay. Dù làm hoa hậu, Hà vẫn là con gái út gia đình. May mắn về sau, hình ảnh con thay đổi tích cực, nhận được nhiều tình cảm từ công chúng. Gia đình tôi vừa vui vừa cố gắng ghi nhận những góp ý tích cực.
- Ông dặn dò điều gì với Hà sau khi con gái đăng quang?
- Tôi nói với Hà: "Đội vương miện trên đầu, con nhận trọng trách từ ban tổ chức, phải làm sao xứng đáng với sự tín nhiệm đó, cống hiến cho cộng đồng. Trong cuộc sống, chữ 'tín' quan trọng nhất". Đồng thời, tôi chỉ mong dù ở vị trí một sinh viên hay hoa hậu, con gái phải thật thà, giữ đạo đức làm hàng đầu và không được có tư tưởng làm giàu nhanh. Các cụ đã dạy: "Có đức mặc sức mà ăn".
Biết con bận rộn, tôi dặn con giữ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ hoa hậu lẫn học tập ở trường. Dù Hà được Đại học Kinh tế Quốc dân tạo điều kiện, con phải nỗ lực theo kịp bài vở, vượt qua thi cử. Có thể con không tập trung 100% như trước đây nhưng học đến đâu phải chắc đến đó. Tôi còn mong con học lên cao. Dù vậy, mọi thứ tùy thuộc con quyết định.
- Con gái phụ giúp gia đình kinh tế ra sao?
- Sau đăng quang, con mua tặng bố mẹ một số món quà nhưng không phải giá trị to lớn. Tôi hiểu con chưa làm ra nhiều tiền nên rất trân quý tình cảm con gái. Vợ chồng tôi cũng làm việc kiếm tiền nên không đòi hỏi bất cứ điều gì từ con.
Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến Hà, trong khi chi phí đầu tư hình ảnh, thời trang của con lại tốn kém. Tôi thấy thương con. Trong nhiều hoạt động từ thiện ở quê, tôi đứng ra hỗ trợ và vận động giúp con gái đủ tiền tổ chức.
- Ở nhà, vợ chồng ông dạy con thế nào?
- Chúng tôi có ba con, trong đó Hà là con út. Từ ngày con còn nhỏ, tôi đều nghiêm khắc, chỉnh đốn từng khuyết điểm. Người ta nói: "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Tôi nhất quyết dạy con có được lối sống, tính cách đàng hoàng. Đứa nhỏ thấy đứa lớn bị bố la nên càng sợ, nể cái uy của bố. Tôi nói một tiếng thì các con phải nghe. Vợ tôi ngược lại, thương và lo lắng cho con nhiều hơn.
Nhờ sự nghiêm khắc từ bố, mềm mỏng của mẹ, ba con trưởng thành nên người. Với Hà, con hiền lành, dễ thương, khiêm tốn từ nhỏ và chưa từng cãi lời người lớn. Con biết tự lập, đi học về thấy mẹ bận chưa đặt cơm là liền vào bếp phụ giúp. Từ năm 11-12 tuổi, con dần tiết kiệm tiền, mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân. Nhìn thấy những điều đó, vợ chồng tôi dần yên tâm về con.
Đến năm 18 tuổi, khi chọn ngành học bậc Đại học, Hà hỏi ý kiến bố mẹ kỹ lưỡng. Ngành mà Hà yêu thích có học phí hơn 40 triệu đồng mỗi năm, mấy ngành khác chỉ bằng một nửa. Hà trình bày: "Con sợ học phí cao khiến bố mẹ thêm áp lực". Nghe vậy, tôi xúc động bảo: "Bố còn khỏe, sẽ đi làm thêm kiếm tiền. Cả nhà ủng hộ nên con cứ an tâm học hành".
- Tâm trạng ông thế nào khi con gái dự thi Miss World?
- Trải qua một năm, con cứng cáp hơn nhờ nhiều trải nghiệm, trau dồi kiến thức và sự theo sát của công ty Sen Vàng nên gia đình an tâm khi cháu thi Miss World 2021.
Tôi dặn dò con đang mang trọng trách nặng nề, phải giữ sức khỏe và sự tự tin. Lối sống bên nước ngoài hoàn toàn khác Việt Nam nên cách ứng xử với ban tổ chức, thí sinh vô cùng quan trọng. Tôi mong con chú ý ứng xứ, chớp lấy cơ hội thể hiện thật tốt và mang vinh quang về cho nước nhà. Tôi muốn Hà biết rằng bố mẹ và gia đình luôn ủng hộ con.