|
Rất nhiều dịch vụ công vẫn chưa được cung cấp trực tuyến. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Chia sẻ trên của Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phạm Quốc Bản tại Hội nghị Giám đốc CNTT các tỉnh, thành phố diễn ra mới đây khiến nhiều người giật mình.
Ông Bản dẫn chứng việc triển khai phần mềm về quản lý hoạt động xây dựng, hạ tầng quan trọng để có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 – 4 trong ngành xây dựng. “Giám đốc Sở Xây dựng nói thẳng là Bộ Xây dựng chưa có ý kiến gì. Việc triển khai dịch vụ công mắc ở chỗ đó”, ông Bản nói.
Cũng theo ông Bản, Sở Kế hoạch & Đầu tư thừa khả năng làm dịch vụ công trực tuyến mức 3 – 4, song trên thực tế điều này vẫn chưa biến thành hiện thực.
“Các Bộ khống chế không cho các Sở thực hiện thì cứ phải theo Bộ mà làm, vì thế các dự án cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn đang kéo dài mấy năm. Bộ TT&TT cần có ý kiến với các Bộ, nếu không địa phương cứ ngồi nhìn”, ông Bản thẳng thắn nhận định.
Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, đến nay, đã có 16 dịch vụ công trực tuyến mức 3 được triển khai trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt gần đây, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai 1 dịch vụ công mức 4 là nộp thuế qua mạng, với sự tham gia của 200 doanh nghiệp (dự kiến hết năm 2012 sẽ đạt 1.000 doanh nghiệp).
Tuy nhiên, ông Bản thừa nhận vẫn còn một bộ phận cán bộ là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thành phố chưa có quyết tâm cao về ứng dụng CNTT nên đã chậm trễ, chần chừ trong triển khai các ứng dụng CNTT, đặc biệt là việc hiện đại hóa hoạt động thông tin về sự chỉ đạo điều hành của mình cho nhân dân biết; không ít lãnh đạo rất ngại, không mặn mà thiết tha triển khai các dịch vụ công mức 3, 4.
Nhìn trên bình diện chung của cả nước, các địa phương, Bộ, ngành đang rất tích cực triển khai các dịch vụ công trực tuyến để công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Các dịch vụ công thường được cung cấp qua Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, do vẫn còn thiếu công dân điện tử nên việc truy cập, sử dụng các dịch vụ công trên mạng vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là một trong những “cái cớ” để các nhà quản lý vin vào để trì hoãn việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Bộ TT&TT phân chia các dịch vụ công trực tuyến thành 4 mức độ, trong đó:
Mức 1: cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
Mức 2: cho phép tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức 3: điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ; các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng.
Mức 4: Gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.