- Họ không đi theo cách thức truyền thống là trải qua quá trình học tập tại trường ĐH, CĐ. Tuy vậy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ họ vẫn thành công hơn người.

Nguyễn Tuấn Việt: tỷ phú từ gỗ vụn

Quyết tâm rời bỏ giảng đường Đại học Xây dựng Hà Nội, khi nhận thấy mình không còn hợp với ngành Kiến trúc nữa, Nguyễn Tuấn Việt bước chân vào con đường kinh doanh như "số mệnh" định sẵn. Hiện Việt đang là giám đốc của Công ty Cổ phần VIETgo, một doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng E - Commerce (thương mại điện tử) với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, bố là tài xế. Năm Việt 16 tuổi, bố gặp chuyện chẳng lành, gia đình sạt nghiệp. Việt phải bươn trải kiếm sống phụ giúp gia đình. Việt làm chữ bằng gỗ bán cho học sinh để làm đồ trang sức đeo cổ, móc đeo chìa khóa, hàng đổ khắp các quầy lưu niệm ở Hà Nội.
Nguyễn Tuấn Việt (Ảnh DDDN)
Vừa học, vừa làm, vừa là tán thủ của đội tuyển Hà Nội. Rồi nghiệp thể thao phải bỏ đề tập trung thi đại học. Việt đỗ Đại học Xây dựng khoa Kiến trúc. Vẫn vừa học vừa làm. Năm thứ hai đại học, cậu bắt đầu biết xuất khẩu, khi môi trường thương mại điện tử tại Việt Nam hé mở.

Năm thứ tư đại học, việc kinh doanh hút mọi đam mê, công sức và thời gian, cậu quyết định bỏ học dù chỉ còn một năm nữa để tốt nghiệp, đùng một cái Việt tuyên bố nghỉ học để kinh doanh.

Sau tuyên bố “động trời” này, Việt đã đứng ra lập công ty VIETgo - kinh doanh các mặt hàng thủ công, chế tác các mặt hàng trang trí, lưu niệm, với nguyên liệu chính từ… gỗ vụn. Sau đó, VIETgo đang mở rộng ra kinh doanh trong các lĩnh vực khác: như nông sản, thủ công mỹ nghệ, mùn cưa...

Đến năm 2007, bên cạnh việc duy trì sản xuất, VIETgo chủ động đi vào lĩnh vực tư vấn thương mại điện tử - chuyển từ mua hàng đi xuất khẩu, sang tư vấn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất để họ tự xuất khẩu thông qua hợp đồng VIETgo cung cấp.

Rồi xuất phát từ việc cá nhân đi tìm thuê, mua bất động sản qua các tin tức giới thiệu, nhưng khi đến tận nơi thì nó không đúng sự thật, không như mong muốn nên rất mất thời gian và ức chế, thậm chí mất phí môi giới mà không được việc, Việt quyết định tham gia vào lĩnh vực thông tin bất động sản. Công ty thứ hai được thành lập, chủ sở hữu trang thông tin Wikinhadat (wikinhadat.com).

Nói về quyết định bỏ học đại học để theo đuổi kinh doanh, Việt chia sẻ: "Tại thời điểm đó, tôi bị ảnh hưởng nhiều từ sách vở về những bài học thành công của những người giàu, thành đạt trên thế giới. Họ có một lý thuyết khác với những người bình thường, rằng: những người dạy mình ở đại học không phải là những người giàu, vì vẫn phải nhận lương, cũng phải làm thêm, cũng phải đối mặt với khó khăn cuộc sống. Trong khi quan điểm của những người thành công đó cho rằng muốn giàu có thì cần phải học thêm từ chính những người giàu có."

Trong "10 tỷ phú làm giàu từ con số 0" được Tạp chí Forbes liệt kê năm 2010, có tới 5 người đã bỏ ngang trường đại học, và thậm chí 3 người khác chưa từng đi học đại học bao giờ. Cũng trong số đó, 6 người từng là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Bỏ học không là rào cản đối với họ. Ngược lại, họ còn thu được nhiều kinh nghiệm sống hơn khi lăn lộn biểu diễn ngoài đường phố như tỷ phú Canada Laliberte, hay trong nhà máy như Leonardo Del Vecchio.

Bỏ ĐH - 19 tuổi trở thành giám đốc

Giang Thiên Phú (SN 1989) từng thi đỗ trường ĐH Công nghiệp HN nhưng lại quyết định theo học tại Trung tâm Aprotrain Aptech. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, được nhận học bổng chuyển tiếp từ ĐH Greenwich, cậu quyết định bảo lưu để ra thành lập công ty riêng.

Ngay từ khi còn là học sinh trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Phú được nhiều người hài hước gọi bằng cái tên “nhà phát minh trẻ” của làng.
Giang Thiên Phú (Ảnh DDDN)
Thi đỗ ĐH Công nghiệp HN, Phú lại quyết định theo học tại Trung tâm Aprotrain Aptech. Trong suốt quá trình theo học tại Aprotrain Aptech, Phú dành thời gian đi làm thêm cho các công ty chuyên về CNTT và nghiên cứu khoa học. Tính đến nay, số sản phẩm giành giải thưởng sáng tạo trẻ mà Phú nhận được đã xấp xỉ con số 10, trong đó có không ít giải thưởng uy tín.

Với mục tiêu gắn kết những “nhà sáng chế” trẻ, Phú đã lập nên website Sangtaotre.org. Đây là diễn đàn tạo cơ hội để những thanh thiếu niên có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cũng như những ý tưởng sáng tạo mới.

Bên cạnh đó, cậu cũng là một trong số những thành viên chủ chốt của nhóm sáng lập nên mạng xã hội tích hợp công nghệ định vị toàn cầu GPS đầu tiên trên thế giới mang tên Yoo.vn. Website đã tiến hành chạy thử, bước đầu mang tới những tín hiệu tích cực và hiện đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện.

Năm 19 tuổi, Phú đã từng là giám đốc của một công ty chuyên về công nghệ số. Tuy nhiên, thành công của Phú khi đó bị trì hoãn bởi nhiều yếu tố mà như cậu nói lớn nhất là do thiếu kinh nghiệm quản lý.

Hiện tại, công ty mới mà Phú thành lập có gần 15 nhân viên, hoạt động trong lĩnh vực điện toán đám mây - khoảng trống được xem là “miền đất hứa” của ngành CNTT tại Việt Nam. Đa phần trong số họ là người trẻ. Phú cũng có gắng tạo điều kiện cho các sinh viên, chủ yếu thuộc trường Aprotrain Aptech có cơ hội làm thêm và học hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế tại đây.

Mới đây, trải qua bốn vòng thi tuyển gắt gao, Phú đã được nhận vào làm giảng viên trường Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech. Cậu trở thành một trong số ít người được vào giảng dạy tại đây dù chưa từng tốt nghiệp ĐH.

22 tuổi, giảng viên trường quốc tế đồng thời là giám đốc công ty với mức thu nhập đáng mơ ước, Phú có thể thuê nhà trong nội thành và sống tương đối thoải mái.

Thế nhưng hằng ngày, cậu vẫn dậy từ sớm, đi xe máy vượt quãng đường gần 30km để tới công ty của mình. Phú nói, cậu thích không khí gia đình và muốn trở về với bố mẹ sau mỗi ngày làm việc.

Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy tiếc nuối vì không theo học trường ĐH Công nghiệp HN? Phú cho biết, cậu chưa từng hối tiếc với quyết định đó. Theo Phú, đào tạo ĐH nặng về lý thuyết, kiến thức cơ sở như ở Việt Nam sẽ rất khó để ứng dụng, đồng thời khiến sinh viên hết sức bị động trước những biến chuyển trong lĩnh vực công nghệ. Thậm chí, Phú còn không có ý định tiếp tục quay trở lại học ĐH Greenwich vì bản thân hiện tại đang có quá nhiều việc phải làm.

“Kiến thức trên trường lớp là một phần. Những trải nghiệm thực tế đôi khi quan trọng hơn. Nếu chưa cảm thấy cần thì đâu nhất thiết phải đi học thêm ngay lập tức”, Phú chia sẻ.

Những tỷ phú nổi tiếng thế giới chưa tốt nghiệp ĐH

1. Bill Gates (SN 1955) - người sáng lập tập đoàn Microsoft

Tờ báo của ĐH Harvard “Harvard Crimson” đã gọi Bill Gates là "Người bỏ học nổi tiếng nhất của Harvard". Trong khi đó, thế giới tôn vinh ông là “Người giàu nhất thế giới” trong hơn một thập kỷ. Hiện nay, dù không ở vị trí đầu bảng, ông vẫn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Bill Gates vào học Harvard trong mùa thu năm 1973. Hai năm sau, ông bỏ học để thành lập Microsoft cùng với người bạn Paul Allen. Năm 2007, Bill Gates nhận được bằng tiến sỹ danh dự của trường Harvard.

2. Steve Jobs (SN 1955) - tổng giám đốc điều hành của hãng máy tính Apple

Do gặp khó khăn về tài chính, Jobs phải thôi học ở Trường cao đẳng Reed chỉ 6 tháng sau khi nhập học.

Sau đó, ông thành lập hãng Apple, NeXT Computer và Pixar, đây là những hãng có ảnh hưởng đáng kể trong sự phát triển của công nghệ và văn hóa hiện đại.

3. Mark Zuckerberg (SN 1984) - tổng giám đốc điều hành của Facebook

Mark Zuckerberg từng là sinh viên trường Harvard. Hồi còn học trường ĐH danh tiếng này, Mark Zuckerberg đã phát triển Facebook trong phòng ký túc xá với ý định cho sinh viên trong trường Harvard sử dụng. Giờ đây Facebook đã trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Khi sự ưa chuộng dành cho Facebook bùng nổ, Zuckerberg thôi học và chuyển công ty tới California.

Đến nay quyết định của anh chàng 8X đã tiến triển khá tốt đẹp. Theo tạp chí Forbes, Zuckerberg là tỷ phú trẻ tuổi nhất trên thế giới với tài sản trong năm 2010 lên tới 4 tỷ USD.

4. Larry Ellison (SN 1944) - người sáng lập công ty phần mềm Oracle

Khi sinh Larry Ellison vào năm 1944, mẹ ông vẫn là một trẻ vị thành niên. Do đó, bà phải gửi Larry đến ở với cô bác ở Chicago và sau đó những người này nhận luôn Larry Ellison làm con nuôi. Ông không biết sự thật về bố mẹ đẻ cho đến tận lúc ông 48 tuổi. Bố mẹ nuôi của ông chỉ là những công chức bình thường.

Sau khi mẹ nuôi mất, Larry Ellison bỏ ngang trường đại học. Đến năm 1977, ông thành lập công ty phần mềm Oracle bằng toàn bộ tài sản mà ông có lúc đó là 1.400 USD. Ngày nay, Oracle trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Hồi năm ngoái, với mức lương thưởng 130 triệu USD, Larry Ellison trở thành CEO được trả lương cao thứ 2 nước Mỹ.

5. Tỷ phú giàu nhất Hồng Kong - Li Ka-shing

Sinh ra tại Trung Quốc vào năm 1928, gia đình Li Ka-shing chuyển đến Hong Kong vào 1940. Sau khi cha ông qua đời vì bệnh lao, Li Ka-shing phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Sau đó, ông làm việc trong nhà máy sản xuất nhựa. Đến tuổi trưởng thành, ông bắt tay vào công việc kinh doanh, tự mình sản xuất các loại hoa nhựa và xuất sang Mỹ.

Ngày nay, Li Ka-shing có trong tay hai đế chế là Cheung Kong và Hutchison Whampoa, tham gia vào nhiều lĩnh vực từ cảng biển, dầu mỏ và khí gas, điện năng, bán lẻ, truyền thông và bất động sản. Từ một đứa bé nghèo khổ, nay ông vươn lên thành người giàu thứ 14 thế giới. Quá khứ cơ cực khiến Li Ka-shing có lòng cảm thông sâu sắc với những người nghèo. Cho đến nay, ông đã đóng góp 1,45 tỷ USD cho công tác giáo dục và y tế.

Kim Minh (tổng hợp)