- Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá không có gì bất thường khi xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa. Khả năng trục lợi từ hoạt động này của DN nếu có sẽ không lớn và không phải là gian lận thuế.

- Thưa ông, hải quan cho rằng các DN đầu mối xăng dầu tạm nhập thì nhiều mà tái xuất thì quá ít, đây là sự bất thường vì chuyển tiêu thụ nội địa ở thời điểm thuế tăng, DN đã trục lợi. Dư luận và một số cơ quan chức năng coi đây là dấu hiệu gian lận, trốn thuế. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Hiện nay, xăng dầu do không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu nên được phép tạm nhập xong, có thể chuyển tiêu thụ nội địa. Khi đó, DN sẽ phải nộp cho hải quan các loại thuế như hàng tiêu thụ nội địa như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT... , đồng thời, còn phải chịu phạt chậm nộp thuế nếu có.

Do đó, không thể nói, đó là hiện tượng bất thường hay là khẳng định DN xăng dầu đã trốn thuế, gian lận thuế được vì chuyển tiêu thụ nội địa là điều mà pháp luật cho phép.

Nếu có vấn đề gì thì chúng ta chỉ có thể đặt vấn đề rằng, cơ chế quản lý của cơ quan Nhà nước đã chưa theo kịp thực tiễn kinh doanh.

Còn việc vì sao nhiều DN xăng dầu lại đi chuyển sang tiêu thụ nội địa thì chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, đúng bản chất.

Trong kinh doanh tạm nhập tái xuất, mua vào có thể dễ nhưng bán ra sẽ rất khó. DN xăng dầu đầu mối nhập lô hàng giá rẻ để sau đó, tái xuất đi nước khác với giá cao hơn. Tuy nhiên, giai đoạn sau, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất lợi, nếu tái xuất là lỗ, không ai bù cho được thì  DN phải tính toán, chuyển kinh doanh nội địa. Sự linh hoạt kinh doanh đó là quyền của DN, để hạn chế thua lỗ, gia tăng hiệu quả. Đừng lúc nào cũng nghĩ DN chỉ có trục lợi.

Tất nhiên, DN có thể có lợi trong việc này nhưng điều đó không bị pháp luật cấm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú (ảnh P.H)

Thực tế vừa qua, hải quan bắt quả tang được 1.360 tấn xăng đã làm thủ tục tái xuất sang Trung Quốc nhưng lại thẩm lậu về Việt Nam. Đây rõ ràng là gian lận, vi phạm pháp luật và sẽ phải xử lý nghiêm.

Tuy vậy, không thể vì một vụ gian lận mà chúng ta đổ lỗi mọi vụ gian lận đều xuất phát từ hoạt động tạm nhập tái xuất. Một người làm sai mà bảo tất cả làm sai là không đúng.

- Thưa ông, thuế nhập khẩu xăng dầu vừa qua tăng liên tục, trong vòng 30 ngày tăng tới 2 lần, chênh nhau tới 2- 3% thuế suất. Các DN có thể kịp thời chuyển hàng tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa trong thời gian này để hưởng lợi. Ông đánh giá thế nào về khả năng trục lợi đó của DN xăng dầu?

Cá nhân tôi cho rằng, việc hưởng lợi này không thể lớn được.

Xuất nhập khẩu xăng dầu không phải như đi mua rau. Không phải cứ nghe tin sắp tăng thuế rồi, mua ngay đi để hưởng lợi là được.

Muốn nhập xăng dầu, thường các DN phải ký hợp đồng từ 5-6 tháng trước so với thời điểm hàng về cảng, thậm chí là ký ngay từ đầu năm. Sau đó, khi hàng về đến cảng, các DN mới chốt được mức thuế là bao nhiêu ở thời điểm mở tờ khai tạm nhập. Kế tiếp, DN cũng phải chờ trong vòng 30 ngày sau, nếu thuế có tăng tiếp và nhanh chóng chuyển sang tiêu thụ nội địa mới được hưởng chênh lệch thuế.

Với hàng tạm nhập, thời gian được lưu ở Việt Nam tới 195 ngày. Nhưng khi chuyển tiêu thụ nội địa, lô hàng này cũng sẽ phải chịu giới hạn về ân hạn thuế 30 ngày như kinh doanh nhập khẩu thông thường. Do đó, DN sẽ bị phạt chậm nộp thuế nếu như chuyển sang tiêu thụ nội địa sau 30 ngày kể từ ngày tạm nhập.

So với lãi suất vay ngân hàng, tổng mức thuế và phạt nộp thuế thấp hơn thì DN mới có lợi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chẳng mấy DN làm việc này vì khoản lợi không đáng. Điều kiện hưởng lợi theo cách này là DN phải đoán trước được diễn biến về giá, về thuế hàng tháng trời trong khi, đó là việc không dễ, khó có cơ sở để đoán đúng.


Nếu muốn tranh thủ thuế để hưởng lợi, DN phải nhập khẩu xăng dầu theo hình thức giao ngay, nhưng đây là lựa chọn hãn hữu, vì khó có hàng ngay, phải chịu giá cao.

Vì thế, cách tính toán để hưởng lợi chênh lệch thuế tới cả ngàn đồng/lít chỉ mang tính lý thuyết. Nhìn nhận vấn đề này cần phải dựa vào thực tế kinh doanh cụ thể, đặc thù của ngành xăng dầu.

- Hải quan than phiền về việc không thể phân biệt đâu là xăng dầu tạm nhập tái xuất, đâu là xăng dầu kinh doanh nội địa do để chung bồn. DN có thể rút ra tiêu thụ nội địa không ai biết, khó giám sát, dễ gian lận, không như hàng hóa khác, tạm nhập lô nào là phải tái xuất đúng lô đó. Ông nghĩ thế nào về trường hợp này?

Điều này do pháp luật không quy định DN phải dự trữ tách riêng ra và các cơ quan quản lý không theo kịp thực tiễn.

Tuy nhiên, ngay cả hàng xăng dầu dự trữ quốc gia còn phải chứa chung với bồn kinh doanh thì nói gì đến việc xăng dầu tạm nhập tái xuất lại không chứa chung bồn xăng dầu nội địa. Hơn nữa, xăng dầu chủng loại giống nhau thì dù mục đích nội địa hay tái xuất trộn vào nhau cũng không có vấn đề gì.

Chúng ta không phải bỗng chốc lại mở thêm hàng loạt các bồn chứa xăng dầu hàng trăm ngàn m3 để dự trữ riêng như là việc ra chợ mua can chứa.

Cơ quan quản lý Nhà nước có thể đặt ra yêu cầu tách bạch hai loại hàng, nhưng thực tiễn ngành xăng dầu không có điều kiện làm được việc đó. Cái gốc vấn đề là DN không vi phạm pháp luật. Nếu pháp luật không bám sát được thực tiễn kinh doanh thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải sửa đổi, bổ sung.

- Hải quan đang đề nghị Bộ Công Thương phải cấm tạm nhập tái xuất xăng dầu qua đường biển. Ý kiến của ông về kiến nghị này thế nào?

Bộ Công Thương đã ra văn bản yêu cầu tạm dừng tạm nhập tái xuất qua đường biển, có hiệu lực từ 15/8/2012. Đây là hướng xử lý phù hợp khi có phát sinh vụ việc gian lận thẩm lậu xăng dầu vừa qua.

Tạm nhập tái xuất xăng dầu hiện nay có hai loại thị trường. Thị trường ngoài nước gồm có Lào, Campuchia, Trung Quốc. Thị trường tiêu thụ trực tiếp gồm máy bay, tàu biển quốc tế, tàu biển Việt Nam đi tuyến quốc tế, doanh nghiệp khu chế xuất.

Trong các loại thị trường này, chỉ có tái xuất đi Trung Quốc là khó kiểm soát nhất vì ngoài vận chuyển bằng đường bộ, hàng tái xuất có thể đi thông qua bằng đường biển. Sau khi tái xuất xong, tàu ra biển quốc tế rồi quay trở lại nội địa bán hàng, dễ phát sinh gian lận mà cơ quan chức năng khó bắt quả tang.

Tuy nhiên, để đi đến cấm hẳn việc tạm nhập tái xuất qua đường biển thì mình Bộ Công Thương không thể quyết. Muốn cấm là phải có cơ sở khoa học, pháp lý, phải có lấy ý kiến các bộ ngành để thống nhất. Trong thời hội nhập, không phải thích cấm là cấm ngay được.

Phạm Huyền (thực hiện)