Bộ Công Thương vừa chính thức vào cuộc và chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý tình trạng các cơ sở buôn bán xe điện có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

Ngay sau đó, Cục Quản lý thị trường đã có công văn chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành được xem là có dấu hiệu vi phạm về bản quyền với xe điện tiến hành kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm. 

Thực hiện chỉ đạo này, chiều ngày 14/7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiếm tra 4 cơ sở buôn bán xe điện có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên địa bàn 3 huyện Yên Phong, Gia Bình, Quế Võ. Kết quả, đã tịch thu gần 30 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm.

Xe điện được coi là phương tiện xanh, hiện rất được giới trẻ như học sinh, sinh viên hay các nhân viên văn phòng, nội trợ sử dụng. Nhóm này thường không có nhiều kinh nghiệm về sử dụng và mua sắm xe, nên dễ bị các cửa hàng kinh doanh xe điện thiếu đạo đức lừa gạt. Các xe điện nhái, giả mạo khó có thể đảm bảo chất lượng trong quá trình sử dụng, thậm chí có thể dẫn tới tai nạn giao thông hay cháy nổ... 

Trong khi đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng đánh giá xe điện là phương tiện kém an toàn, mặc dù đó chỉ là cảm nhận khi sử dụng các mặt hàng nhái không qua kiểm định.

Giống như xe máy khi mới xuất hiện tại Việt Nam, thị trường xe điện cũng nhanh chóng xuất hiện các mặt hàng giả, nhái. Đơn cử, dòng xe điện Cap A-2 mới được công bố chính thức ít lâu thì thị trường đã xuất hiện các loại xe nhái tương tự. 

{keywords}
Nhiều loại xe điện nhái tràn lan thị trường

Trên thực tế, phát hiện tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã ra thông báo số tạm đình chỉ hiệu lực giấy chứng nhận kể từ ngày 06/07/2017. Cục cũng đã yêu cầu FUJI tạm dừng việc đưa ra thị trường các xe Cap-A2 có các vi phạm so với kiểu dáng công nghiệp xe đạp điện đang được bảo hộ.

Theo khảo sát, xe nhái, giả mạo nhập về bán tại thị trường Việt Nam, thậm chí sử dụng cả nhãn mác và thiết kế gần như y hệt so với sản phẩm chính hãng.  Giá bán của các sản phẩm nhái từ khoảng 9-11 triệu đồng, trong khi giá bán của xe chính hãng ở mức 13,99 triệu đồng. 

Từ năm 2016 đến nay thì số lượng xe Cap A bị làm nhái ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Nhiều cửa hàng cũng thừa nhận việc xe nhái có chất lượng thấp hơn, và không có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ để đăng ký biển số.

Sự khác biệt của các dòng xe nhái nằm ở chỗ sử dụng các linh kiện kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng. Trong khi xe chính hãng trang bị bộ động cơ điện và bộ điều tốc tối ưu của thương hiệu Bosch đến từ Đức, thì dòng xe nhái tràn lan trên thị trường bị giấu nhẹm các thông tin linh kiện xe.

Đây không phải lần đầu tiên mà các doanh nghiệp kinh doanh xe điện nhỏ lẻ tại Việt Nam đi theo hướng đặt hàng và kinh doanh xe điện nhái, giả mạo. Các thương hiệu lớn trên thế giới như Gogoro, Vespa hay Honda cũng bị xâm phạm tương tự.

Theo nhận định, xe điện là phương tiên xanh sạch, đã và đang mang lại giá trị cao cho xã hội trong tương lai. Song để xe điện có thể phát triển tại Việt Nam thì phải có những sản phẩm chất lượng cao chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp xe điện tại Việt Nam phải có một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm phát huy được tính sáng tạo. 

Doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng cần phối hợp để ngăn chặn, giải quyết triệt để vấn đề vi phạm để giữ được quyền lợi của doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

“Việc xe điện nhái, giả mạo với chất lượng thấp được bày bán tràn lan sẽ kìm hãm, thậm chí giết chết lòng tin của người tiêu dùng, cũng như gây mất an toàn giao thông”, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc điều hành của Pega, chia sẻ.

Nam Hải