Một sản phẩm quần áo được rao bán trên mạng (bên trái) khác xa với khi khách hàng nhận được (bên phải). Ảnh Internet |
Theo đánh giá của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tại hội thảo về kinh tế số vừa diễn ra tại Hà Nội, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đang tăng dần với con số năm 2015 theo thống kê của Bộ Công Thương là 30,3 triệu người, lên 33,6 triệu đến năm 2017.
Mức tiêu dùng trực tuyến trung bình năm 2015 là 160 USD, đến năm 2017 đã tăng lên 186 USD. Số lượng người tiêu dùng mua hàng qua thiết bị di động năm 2017 vào khoảng 41%.
Nắm bắt xu hướng sử dụng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng di động và sàn giao dịch điện tử để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Trong đó đáng chú ý, bên cạnh xu hướng sử dụng website, nhiều doanh nghiệp cũng đang chú trọng xây dựng ứng dụng di động (App Mobile) bán hàng do xu hướng mua sắm qua ứng dụng rất lớn.
“Tương tác qua thiết bị di động của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các doanh nghiệp cần chú trọng”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng vấn đề thanh toán vẫn là trở ngại lớn trong thương mại điện tử.
Tỷ lệ COD (nhận hàng mới trả tiền) vẫn chiếm đa số, lên tới 82%, qua ATM, Internet Banking 48%, thẻ tín dụng 19%, ví điện tử 7%. Do người tiêu dùng chưa có niềm tin vào thương mại điện tử, hạn chế thanh toán trực tuyến (do lo ngại bị lừa đảo, mất an toàn bảo mật tài khoản khi mua qua mạng) nên vẫn thận trọng sử dụng phương án nhận hàng, xem kỹ hàng rồi mới thanh toán.
Ông Hải cũng chỉ rõ một trở ngại rất lớn là tình trạng sản phẩm bán ra trên mạng vẫn còn tình trạng chất lượng kém, không đúng so với thông tin quảng cáo.
Đáng lo ngại là tại Việt Nam tình trạng này diễn ra rất phổ biến, các doanh nghiệp kinh doanh trong thời gian tới cần cải thiện vấn đề này.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh các biện pháp để mạnh tay xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên mạng để cải thiện thực tế, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử.