Mới đây trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương báo cáo đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch để nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Trong đó, Bộ Công Thương sẽ xác định cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi theo từng giai đoạn, các khu vực ngoài khơi tiềm năng phát triển điện gió. Kết quả nghiên cứu này sẽ được xem xét tích hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Kết quả nghiên cứu hiện nay đưa ra 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi. Trong đó, riêng khu vực tỉnh Bình Thuận được xác định có 4 vị trí phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định.

{keywords}
Bộ Công Thương hiện có 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi (ảnh minh họa).

Trong Văn bản số 9611/BCT-ĐL gửi UBND tỉnh Bình Thuận tháng 12/2019, Bộ Công Thương cũng đã nêu một số khó khăn thách thức, như chồng lấn vị trí với quy hoạch vận tải đường biển, chưa xác định giá điện gió ngoài khơi sau thời điểm tháng 11/2021, chưa nghiên cứu phương án giải tỏa công suất tổng thể cho khu vực.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời, khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023.

Được biết, tổng cộng đang có 157 dự án điện gió trên biển, quy mô công suất 61.123MW, đang đề nghị khảo sát phát triển dự án và bổ sung quy hoạch.

H.A.H

Nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

Nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu phản ánh về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi nước ta trong quá trình quản lý và tham mưu chính sách phát triển ngành điện.