Bộ Công Thương vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.
Làm rõ nội hàm "tự sản tự tiêu", theo Bộ Công Thương, hiện nay, pháp luật về điện lực chưa có quy định nguồn điện tự sản, tự tiêu. Tuy nhiên Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch điện VIII có nêu “điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng trường hợp, nguồn điện tự sản tự tiêu có đấu nối hay liên kết (đấu nối sau công tơ đo đếm điện) với lưới điện quốc gia nhưng không bán điện vào hệ thống điện thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 khoảng 2.600 MW.
Trường hợp, nguồn điện tự sản tự tiêu không đấu nối hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển đến năm 2030 có thể không giới hạn.
Nguồn điện tự sản tự tiêu cũng chưa có quy định thuộc/không thuộc đối tượng phát triển điện lực nêu trong Luật Điện lực. Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát các chủ thể tham gia hoặc Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Công Thương đề xuất đối tượng áp dụng là điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, tổng quy mô phát triển đến năm 2030 khoảng 2.600 MW hoặc phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN, tuỳ theo điều kiện nào đến trước.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương kiến nghị các đối tượng khác như điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp thực hiện theo cơ chế, chính sách khác, ví dụ như mua bán điện trực tiếp.