Bộ Công Thương nhận định, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Tuy vậy, nhìn chung công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa.
Nước ta đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải công nghiệp hóa quá sớm(Premature Deindustrialization)và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đến nay, nước ta đang ở cuối giai đoạn đầu của công nghiệp hóa và bước đầu chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Trong giai đoạn hiện nay, nếu công nghiệp nước ta không có những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao, cùng với yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần tứ tư, nước ta cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt mức bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo (MVA) theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của UNIDO.
Sản xuất thép tại nhà máy Thép Việt Úc (ảnh: Băng Dương) |
Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia (mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo) – theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước – do đó là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, khu vực công nghiệp bao gồm 4 phân ngành chính: khai khoáng; công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, có tác động lan tỏa và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Ở nhóm ngành này, ngành công nghiệp hỗ trợ hiện diện trải khắp tất cả các lĩnh vực như ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, công nghệ cao...
Các ngành chế biến, chế tạo xây dựng nền tảng vật chất cho nền kinh tế, sản sinh ra những phát minh mới, công nghệ mới có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho các ngành thương mại và dịch vụ, đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, phát triển bền vững thị trường xuất khẩu, góp phần làm tích cực cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô.
Công nghiệp chế biến chế tạo cũng là nguồn cung việc làm dài hạn và thu nhập ổn định, bởi hầu hết các công việc trực tiếp hoặc gián tiếp đều phụ thuộc vào sản xuất, vì vậy, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Đồng thời, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu do các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước đảm nhận, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương do hoạt động của các doanh nghiệp này gắn chặt với chính quyền địa phương.
Mặc dù vậy, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng, dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, và giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và các phân ngành cụ thể (điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thuốc lá, giấy…) đã được xây dựng và phê duyệt nhưng do không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính định hướng mà thiếu chế tài thực hiện nên mặc dù các bên liên quan mất nhiều công sức nghiên cứu, xây dựng nhưng các giải pháp đề xuất hầu như không được triển khai thực hiện.
Việc bãi bỏ các quy hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp càng khiến cho các cơ quan quản lý thiếu công cụ quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá và đưa ra định hướng phát triển toàn ngành công nghiệp nói chung và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng.
Việc các giải pháp chính sách đề ra trong các quy hoạch và chiến lược không triển khai được là do thiếu căn cứ pháp lý, thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng của các cơ quan liên quan và thiếu các chế tài bảo đảm thực hiện.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp, cũng là để thể chế hóa định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi xác định “phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá” trong xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh,trong đó xác định đến năm 2025 “tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.
Theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về đề xuất này.
Phạm Huyền
Công nghiệp Việt Nam: Gỡ 3 điểm nghẽn, tiếp cận góc nhìn mới
Trong 10 năm tới, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại. Đây là mục tiêu cao và đầy thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nếu không sớm nhận diện được các điểm nghẽn, sẽ khó về đích.