Việc chấm dứt hoạt động công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm phí công đoàn là bước đi cần thiết trong tiến trình cải cách bộ máy, tránh chồng chéo.
Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang; giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.
Ảnh minh hoạ.
Việc kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang được xem là cải cách quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Khi sắp xếp lại, dự kiến sẽ thực hiện theo lộ trình, có đánh giá tác động kỹ lưỡng và đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ cán bộ công đoàn đang công tác trong các đơn vị giải thể.
Cứ "đẻ thêm” tổ chức với mong muốn tốt nhưng thực chất lại cồng kềnh
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc bỏ mô hình công đoàn viên chức và công đoàn lực lượng vũ trang là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới.
“Việc này nhằm cơ cấu lại tổ chức bộ máy hiện nay theo hướng tinh giản, tránh chồng chéo. Đặc biệt, lực lượng vũ trang có tính chất hoạt động đặc thù, mang tính kỷ luật và pháp lệnh cao nên không thể tổ chức công đoàn theo kiểu thông thường”, ông Lợi nhận định.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo ông, việc sắp xếp lại tổ chức công đoàn theo ngành dọc thay vì duy trì công đoàn viên chức sẽ giúp giảm đầu mối, tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống.
“Từ trước đến nay, chúng ta cứ 'đẻ thêm' tổ chức với mong muốn tốt, nhưng thực chất lại gây ra sự cồng kềnh, thiếu rõ ràng. Nay tổ chức công đoàn cần đi đúng mô hình của Đảng - dưới sự lãnh đạo của Đảng thì các tổ chức chính trị xã hội cũng cần được tổ chức lại một cách bài bản, hiệu quả hơn”, ông Lợi nói.
Bỏ phí công đoàn, cần đánh giá tác động đối với doanh nghiệp
Ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự đồng tình với chủ trương giảm mức phí công đoàn, tuy nhiên, ông cho rằng cần có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo quy định hiện hành, đoàn viên công đoàn đang đóng đoàn phí theo mức 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (áp dụng cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước) hoặc 1% tiền lương thực lĩnh (đối với đoàn viên tại doanh nghiệp nhà nước), với mức đóng tối đa hàng tháng không quá 10% mức lương cơ sở.
Ông Lợi phân tích, việc tinh gọn bộ máy tổ chức công đoàn cần đi đôi với việc giảm mức đóng phí tương ứng. Việc giảm phí nên căn cứ vào tình hình thực tế của quỹ công đoàn.
Trong bối cảnh Nhà nước đã triển khai rộng rãi các chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp và nhà cho người nghèo, việc duy trì mức phí công đoàn cao như hiện tại là không thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, ông Lợi cũng lưu ý đến sự khác biệt giữa khu vực công chức, viên chức nhà nước và khu vực doanh nghiệp có đông đảo người lao động khi xem xét việc giảm phí công đoàn.
Ông nhấn mạnh, tổ chức công đoàn trong khu vực doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, bao gồm chăm lo đời sống, chế độ thai sản, điều kiện làm việc...
Do đó, việc giảm phí công đoàn ở khu vực này cần được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng đại diện và bảo vệ của công đoàn cơ sở.
"Việc giảm phí là một chủ trương đúng đắn, nhưng cần có sự tính toán hợp lý, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp. Có thể xem xét giảm ở mức độ vừa phải hoặc điều chỉnh có chọn lọc, đảm bảo sự cân đối giữa nguồn lực và chức năng của tổ chức công đoàn", ông Lợi nêu quan điểm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc sắp xếp, tinh gọn và cải tổ tổ chức công đoàn lần này là một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách bộ máy, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả, thực chất và gần gũi hơn với đoàn viên và người lao động.
Công đoàn viên chức được thành lập vào năm 1994. Tính tới năm 2023, công đoàn viên chức Việt Nam gồm 2 hệ thống: Công đoàn viên chức các bộ, ban, ngành, hội, đoàn thể Trung ương và công đoàn viên chức tỉnh, thành phố.
Trong đó, công đoàn viên chức có 60 đơn vị trực thuộc với số lượng đoàn viên gần 86.000 người. Hệ thống công đoàn viên chức tại 63 các tỉnh, thành với khoảng 240.000 đoàn viên.
Công đoàn lực lượng vũ trang, theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, bao gồm công đoàn trong Quân đội nhân dân và công đoàn trong Công an nhân dân.
Luật Công đoàn sửa đổi quy định tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%; bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, đóng kinh phí công đoàn 2% là gánh nặng với doanh nghiệp có nhiều lao động. Do vậy, ông đề nghị với doanh nghiệp trên 3.000 người thì chỉ đóng 1%.