- Bước đầu cơ quan CSĐT bộ Công an đã xác định, ba mẹ con làm trong một hệ thống may mặc tư nhân tại TP.HCM đã đến tỉnh Điện Biên tuyển trái phép 23 đứa trẻ người dân tộc để bóc lột sức lao động và toàn bộ số trẻ em này đã được Bộ công an giải cứu an toàn.

Giải cứu 23 cháu bé từ một… công văn lạ

Theo đó vào ngày 29/9, cục cảnh sát hình sự, bộ Công an phía Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM đã tiến hành bàn giao 23 trẻ em người dân tộc Kh’Mú cho công an tỉnh Điện Biên để đưa các em này đoàn tụ với gia đình.

Hiện bộ Công an phía Nam đang phối hợp cùng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tiếp tục mở rộng điều tra về vụ việc này cũng như việc xử lý đối với những người có liên quan.

Được biết trước khi diễn ra việc bàn giao nói trên, cục Cảnh sát hình sự bộ Công an phía Nam đã phối hợp cùng tổ chức Rồng Xanh (Blue dragon children’s foundation – một tổ chức phi chính phủ của Australia) đã hoàn tất các thủ tục khám sức khỏe cũng như hỗ trợ kinh phí cho 23 đứa trẻ này về quê bằng đường hàng không.

 23 đứa trẻ người dân tộc Kh’mú được đưa vào TP.HCM lao động trái phép đã được chuyển giao về Điện Biên bằng đường hàng không vào chiều 29/9
 
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 20/9, cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an phía Nam nhận được công văn của phòng CSĐT tội phạm về TTXH, công an tỉnh Điện Biên nhằm đề nghị hỗ trợ, xác minh, truy tìm một số trẻ em cư ngụ tại Điện Biên được đưa vào lao động tại TP.HCM. Tuy nhiên thông tin mà công an tỉnh Điện Biên nắm được cũng có giới hạn, không biết các cháu bé này vào TP.HCM làm gì? cư ngụ ở đâu? sinh sống ra sao? Chỉ biết là hiện đa số các cháu bé đang sinh sống tại Q.Tân Phú, TP.HCM.

Trước thông tin này, trinh sát Bộ công an vào cuộc, phối hợp với công an Q.Tân Phú để điều tra.

Sau nhiều ngày truy lùng, mới đây các trinh sát phối hợp cùng với công an P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú tiến hành kiểm tra hành chính sơ sở may gia công ở địa chỉ số 169/80/5 do ông Lê Thế Tuấn (SN 1976) làm chủ. Tại đây lực lượng các cơ quan chức năng đã phát hiện có 3 cháu bé từ 12 đến 16 tuổi, người dân tộc Kh’mú, cư ngụ tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đang làm công nhân may công nghiệp và làm tại công đoạn cắt chỉ.

Khi tiếp cận số cháu bé này, các trinh sát khai thác nhanh và tiếp tục kiểm tra cơ sở may khác tại địa chỉ số 229/64/41/4 do anh Lê Hồng Quang (SN 1981, là em ruột của Tuấn) làm chủ. Cũng tại địa chỉ này đã phát hiện thêm 9 trẻ em khác người dân tộc Kh’mú, từ 15 – 17 tuổi đang làm việc trong xưởng may.

Lộ đường dây tuyển, bốc lột lao động trẻ em trái phép

Từ lời khai ban đầu của các cháu bé, cơ quan công an đã yêu cầu bà Lê Thị Dục (SN 1943, ngụ huyện Bình Cầu, xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tạm trú P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) giải trình về vụ việc nói trên. Được biết bà Dục chính là mẹ ruột cùa Lê Thế Tuấn và Lê Hồng Quang; chính người phụ nữ này đã đích thân ra huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên để tuyển các cháu bé người dân tộc Kh’mú, đưa vào TP.HCM làm việc.

Bà Dục thừa nhận, đã ra tận Điện Biên để thuyết phục gia đình cho phép bà đưa các cháu bé vào TP.HCM làm việc và học nghề may. Ngay sau khi cơ quan chức năng giải cứu 12 cháu bé tại 2 địa chỉ như nói trên thì sau đó bà Dục đã dẫn thêm 6 cháu bé người dân tôc Kh’mú khác, có tuổi từ 13 – 17 tuổi đến cơ quan công an để chuyển giao.

Mở rộng điều tra, từ ngày 21 đến 28/9 trinh sát Bộ công an đã tim thấy và nhận thêm 5 cháu bé khác tại tỉnh Đồng Nai. Trong đó có 4 cháu bé đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm Bảo trợ Huấn nghề Cô Nhi Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và 1 cháu đang đi lang thang trên đường phố TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là số trẻ em cũng theo bà Dục vào TP.HCM lao động nhưng không chịu nổi cảnh làm việc ngày đêm nên bỏ trốn lang thang đi xin ăn ở Đồng Nai

Bà Dục khai báo, khi tuyển dụng các trẻ em đưa vào TP.HCM thì có 14/22 cháu là bà Dục có làm cam kết với gia đình các em, 8 cháu còn lại thì bà Dục thỏa thuận miệng với gia đình nhưng tất cả đều không có hợp đồng lao động. Trước khi các cháu theo bà Dục vào TP.CM thì người đàn bà này đã ứng 1 – 3,5 triệu đồng/gia đình/cháu.

Đặc biệt khi làm việc với các gia đình, bà Dục thông báo các cháu sẽ được nuôi ăn ở, học nghề may và trong 2 năm không hưởng lương. Sau 2 năm đó nếu gia đình các cháu cần tiền thì bà Dục sẽ chuyển trực tiếp cho cha mẹ, mà không phải trả cho các cháu này, với mức lương là 500 ngàn đồng/tháng hoặc 5 triệu đồng/năm. Tại TP.HCM bà Dục phân bổ các cháu về lao động tại 2 cơ sở may của 2 người con trai bà như nói trên.

Theo khai báo của những đứa trẻ chúng phải làm việc may công nghiệp, cắt chỉ tại các cơ sở may từ 12 – 14 giờ/ngày, cụ thể từ 6h sáng đến 11h trưa và từ 14h chiều đến 23h đêm. Và các cháu đã vào làm việc tại TP.HCM từ 3 – 6 tháng nay.

Điều đáng nói là các cháu bé có khai báo với trinh sát bộ Công an là, ăn không đủ no, thường bị chủ dùng thước đánh vào lưng do làm việc không đạt yêu cầu. Trong 23 cháu bé thì có 5 trường hợp không chịu đựng nên bỏ trốn lang thang xin ăn và trôi dạt về Đồng Nai.

Bước đầu cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an phía Nam xác định, bà Lê Thị Dục cùng 2 con trai là Lê Thế Tuấn và Lê Hồng Quang đã vi phạm các quy định về việc sử dụng lao theo quy định của Bộ luật lao động. Hiện vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

• Đàm Đệ