Theo nguồn tin từ Bộ Công an, hầu hết các thiết bị có nguồn gốc Âu-Mỹ đều đã đăng ký số IMEI theo đúng quy chuẩn lên Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU). Do đó, số IMEI của các thiết bị này thường ít có khả năng bị chỉnh sửa hay thay đổi. Trong khi đó, hiện nay, một số điện thoại của Trung Quốc thường có số IMEI không theo quy chuẩn như vậy. Do đó, trên cùng một mạng di động có thể có nhiều số IMEI trùng nhau. Vị đại diện Bộ Công an cho biết thêm, trên thực tế, nhiều hệ thống thiết bị như hệ thống tổng đài nội bộ di động của một cơ quan, doanh nghiệp hay hệ thống trộm cước viễn thông có hàng chục hãng điện thoại di động dùng chung một số IMEI. Hơn nữa, người dùng có thể dễ dàng thay thế số IMEI trên điện thoại thông minh (smartphone), đặc biệt là các smartphone chạy hệ điều hành Android. Việc này có thể thực hiện được dễ dàng nhờ can thiệp bằng phần mềm qua hướng dẫn trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều cửa hàng sữa chữa thiết bị điện tử cũng giúp khách hàng chỉnh sửa số IMEI của smartphone, máy tính bảng...nếu có nhu cầu. 

Số IMEI được hiểu là số nhận dạng thiết bị di động trên toàn thế giới. Đây là mã số nhận dạng quốc tế của từng điện thoại di động và không thể trùng nhau về nguyên tắc. Số IMEI bao gồm một dãy 15 số và được cấu thành từ 4 nhóm (AABBBBBB-CCCCCC-D) . 

Như ICTNews đã đưa tin, mới đây, Bộ Công an đã khẳng định đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT  yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc phong tỏa kết nối của các thiết bị viễn thông bị chiếm đoạt (như smartphone, máy tính bảng) trên cơ sở dữ liệu (số nhận dạng thiết bị - IMEI) do Bộ Công an cung cấp là không thực tế, thiếu tính khả thi. 

Trước đó, trả lời báo điện tử Zing.vn về đề xuất khóa thiết bị bị trộm, cắp thông qua số IMEI, đại diện nhà mạng VinaPhone cũng cho biết cũng cho biết, hiện có một số mẫu điện thoại di động, thường là máy giá rẻ, không có số IMEI, hoặc IMEI không theo quy chuẩn. Điều này tạo ra khó khăn trong việc xử lý.

Tại buổi họp báo định kỳ quý 1/2016, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã cho biết sơ bộ về kế hoạch áp dụng biện pháp khoá dịch vụ mạng đối với điện thoại mất cắp thông qua mã số định danh cấp riêng cho từng sản phẩm di động (số IMEI). Theo đó, Sở TT&TT phối hợp cùng với Công an Thành phố trình lên UBND TP HCM dự thảo về vấn đề này. Sau đó, TP HCM kiến nghị với Bộ TT&TT hoặc Bộ Công an chỉ đạo các nhà mạng triển khai khoá mạng đối với các điện thoại di động nằm trong danh sách thông báo mất cắp.  Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh hy vọng số vụ cướp giật điện thoại trên địa bàn Thành phố có thể giảm tới 50%. nếu giải pháp này được thực hiện triệt để. 

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện chúng tôi đã làm việc với CATP về vấn đề này. Nếu được triển khai thì khi người dân thông báo mất máy công an sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để xác định có đúng máy này là của họ hay không và sẽ gửi cho các nhà mạng số IMEI để các nhà mạng khóa máy”.

Bộ Công an cho biết, trong thời đại bùng nổ của các thiết bị Internet Of Things (Vạn vật kết nối Internet - IoT), có rất nhiều loại thiết bị viễn thông di động không dây kết nối với nhau hoặc kết nối với các hệ thống thông tin điện tử, các mạng viễn thông, truyền thông. Các thiết bị này thường dùng sim di động để kết nối hệ thống thông qua các mạng di động (3G, 4G). Trong đó có nhiều thiết bị như smartphone, máy tính bảng, camera hành trình, thiết bị định vị, camera quan sát, laptop... Do yêu cầu kỹ thuật, tất cả các thiết bị kết nối sử dụng mạng di động hoặc trung gian qua mạng  di động thì đều phải có hệ thống số nhận dạng thiết bị thông tin di động quốc tế (IMEI).