Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành phát biểu tại Hội nghị do Liên Hiệp quốc tổ chức. Nguồn ảnh: Bộ Công an. |
Theo nguồn tin từ Bộ Công an, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị quốc tế về phòng, chống khủng bố với chủ đề “Phòng, chống khủng bố thông qua cách tiếp cận sáng tạo và sử dụng công nghệ mới nổi” do Liên Hợp quốc tổ chức tại thành phố Minsk, Belarus trong hai ngày 3 - 4/9/2019.
Phát biểu tại Phiên họp cấp cao, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh những nguy cơ đe dọa của việc khủng bố sử dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để tiến hành hoạt động khủng bố, nêu tóm tắt những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khủng bố thông qua việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hợp tác quốc tế chặt chẽ… Đồng thời, đề nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm khủng bố trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết, cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ và những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các tổ chức khủng bố đã và đang triệt để lợi dụng những tiện ích Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, hướng dẫn và kêu gọi tấn công khủng bố dưới nhiều hình thức.
Tội phạm khủng bố là 1 trong 10 mối đe dọa của an ninh phi truyền thống, là những vấn đề an ninh phức tạp mang tính toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết triệt để được, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới. Mặt khác, nội hàm an ninh phi truyền thống mang tính “động”, có thể tiếp tục được mở rộng hơn với nhiều đặc trưng mới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đã chia sẻ tình hình thực tại ở Việt Nam, theo đó Việt Nam đã và đang phải đối phó với hàng loạt âm mưu, hoạt động khủng bố của các tổ chức khủng bố người Việt như: “Việt Tân”, "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều đại Việt”… Các tổ chức khủng bố này lợi dụng địa bàn các nước Philippines, Thái Lan, Malaysia để xâm nhập Việt Nam hoạt động. Lợi dụng Internet, các trang mạng xã hội, blog cá nhân để tuyên truyền, xúi giục, hướng dẫn phần tử xấu trong nước chế tạo bom tấn công khủng bố. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định, ở Việt Nam chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố nước ngoài thực hiện, chưa phát hiện “cơ sở”, “chân rết” khủng bố quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng nêu ra các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã làm để phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác chống tội phạm khủng bố. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống khủng bố. Tập trung xây dựng khung pháp lý, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã được rà soát, sửa đổi, ban hành có tính tương thích cao với các quy phạm pháp luật trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập. Việt Nam từng bước hoàn thiện pháp luật phòng, chống khủng bố theo những chuẩn mực quốc tế chung, chủ động mở rộng hợp tác với các nước, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các cuộc đối thoại với cơ quan chức năng các nước trong khu vực và trên thế giới, hội thảo quốc tế, khu vực về phòng, chống khủng bố và phối hợp các đối tác tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên sâu cho lực lượng phòng, chống khủng bố, chủ động tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ mới nổi phục vụ phòng, chống khủng bố.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành bày tỏ nhất trí và ủng hộ những giải pháp phòng, chống khủng bố mà Liên Hợp quốc đưa ra tại Hội nghị này. Ngoài ra, để chủ động đối phó có hiệu quả các mối đe dọa khủng bố lợi dụng công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, Đoàn Việt Nam đề nghị tập trung vào các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phòng, chống khủng bố, xây dựng và vận hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng như sáng kiến của Liên bang Nga và hơn 20 nước đề nghị.
Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng, nhất là quản lý các loại hình báo chí điện tử, kết nối Internet, các dịch vụ xuyên biên giới... bổ sung, chỉnh sửa quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong công tác an ninh mạng. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực, trình độ cho lực lượng chống khủng bố, tác chiến không gian mạng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng và phòng, chống khủng bố, hợp tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp điều tra tội phạm mạng và ứng phó với các mối đe dọa mới trên không gian mạng như nguy cơ từ các thiết bị IoT, khủng bố mạng... lập các nhóm phản ứng nhanh, phối hợp tác chiến xử lý các vụ việc khủng bố trên không gian mạng.