Jonathan Hạnh Nguyễn vừa gửi đơn đề nghị “mua hay chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn cảng hàng không (CHK) Phú Quốc”.
Việc ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương, người được biết tới nhiều hơn với cái tên Jonathan Hạnh Nguyễn vừa gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị “mua hay chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn cảng hàng không (CHK) Phú Quốc” khiến cuộc đua giành quyền khai thác CHK này càng thêm “nóng”.
Jonathan Hạnh Nguyễn bất ngờ nhảy vào đường đua
Trước khi cái tên Jonathan Hạnh Nguyễn xuất hiện, bầu Hiển (ông chủ Tập đoàn T&T - Đỗ Quang Hiển) là người đầu tiên ngỏ ý “mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động” với CHK Phú Quốc.
Trong đơn gửi Bộ GTVT, ông Hiển cam kết tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay này nhằm đảm bảo giao thương thuận lợi, là đầu mối vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa khu vực phía Nam với trong nước và quốc tế; không chuyển nhượng tài sản/quyền khai thác trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp phép và đưa CHK này trở thành CHK hàng đầu khu vực. Cùng đó, ông Hiển cũng khẳng định sẽ duy trì sử dụng lao động hiện có, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng các dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn.
Cảng hàng không Phú Quốc đang hấp dẫn nhà đầu tư |
Tuy nhiên, như trên đã nói, Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển vừa có thêm đối thủ nặng ký trong cuộc đua giành quyền khai thác CHK mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2012 này. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với T&T không ai khác chính là ông chủ Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP) - “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn.
CHK quốc tế Phú Quốc nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới, hiện đại vào năm 2012 với tổng mức đầu tư 3.922 tỷ đồng do ACV tự huy động. Sân bay có nhà ga hành khách 2 cao trình với tổng diện tích sàn là 24.325 m2, công suất thực tế là 4 triệu hành khách/năm. |
Cụ thể, Chủ tịch HĐTV IPP là ông Nguyễn Hạnh vừa gửi đơn tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin mua hay chuyển nhượng quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc. Đáng nói hơn, IPP cũng chính là nhà đầu tư thứ ba, sau Vietnam Airlines và Vietjet, nộp đơn xin nhượng quyền khai thác Nhà ga T1, CHK quốc tế Nội Bài.
Điểm mạnh của IPP - một công ty mà các thành viên hội đồng thành viên đều là người trong cùng một gia đình không chỉ đơn thuần là năng lực tài chính (vốn điều lệ công bố là 1.250 tỷ đồng) mà còn là kinh nghiệm tham gia cung cấp các dịch vụ phi hàng không tại các sân bay.
“IPP là công ty đã có hơn 25 năm cung cấp hàng hóa và điều hành kinh doanh các hệ thống cửa hàng miễn thuế, hệ thống chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng bán lẻ tại các sân bay quốc tế và quốc nội tại Việt Nam”, ông Nguyễn Hạnh cho biết.
IPP cũng vừa trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) sau khi bỏ ra tới hơn 310 tỷ đồng để mua 23,6% cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Đây chính là một trong những lợi thế vượt trội của IPP so với T&T.
Bộ GTVT khẳng định không chuyển nhượng quyền khai thác CHK Phú Quốc cho nhà đầu tư nước ngoài |
CHK Phú Quốc sẽ được nhượng quyền thế nào?
Cần phải nhấn mạnh rằng, ngoài T&T và IPP, cũng từng có thông tin về việc nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia cạnh tranh nhượng quyền khai thác CHK Phú Quốc. Tuy nhiên, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài ở CHK duy nhất trên đảo Ngọc đã hoàn toàn bị xoá bỏ khi trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nhượng quyền khai thác cảng hàng không, Bộ GTVT nêu rõ: Trước mắt chỉ thí điểm nhượng quyền cho nhà đầu tư trong nước.
Cũng theo văn bản trên, Nhà nước sẽ nắm giữ quyền quản lý điều hành trong các hoạt động xuất nhập cảnh, quản lý đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, quản lý vùng trời, chất lượng và giá cả khai thác dịch vụ, cung cấp dịch vụ điều hành bay…
Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức bảo đảm hoạt động vận hành khai thác cảng, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không, kinh doanh các dịch vụ hàng không và phi hàng không, thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hạ tầng đang quản lý, khai thác theo quy định và tham gia đảm bảo an ninh quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước.
Hai nguyên tắc khác được nhắc đến là, nhà đầu tư phải có năng lực vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện. Cùng đó, việc tổ chức khai thác phải đảm bảo cho các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng.
Trước đó, liên quan đến phương án nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, hiện Cục và đơn vị trực tiếp khai thác là Tổng công ty CHK VN (ACV) đang cân nhắc hai phương án nhượng quyền. Phương án 1 - nhượng quyền theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Với phương án này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định.
Phương án 2 được ông Thanh đề cập tới là việc nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.
(Theo Báo Giao thông)