Bỏ biên chế nhà nước về nuôi lợn

Đam mê làm giàu từ nông nghiệp, ông Trần Văn Chính (xã Như Hào, Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã bỏ biên chế nhà nước ổn định ở Biên Hoà về quê lập nghiệp. Năm 2007, đang làm tại một cơ quan hành chính tại Biên Hoà với thu nhập ổn định có thể lo cho bản thân và gia đình, nhưng ông Chính nghĩ rằng cần phải làm cái gì có ý nghĩa vượt lên chính mình.

Ông về quê nhưng địa phương - nơi gia đình ông sinh sống - không có nhiều ruộng đất. Từ số tiền tích cóp được, ông mua xe tải để chở thuê cho các trang trại ở huyện. Sau một thời gian làm việc với nhiều trang trại lớn, nhận thấy tiềm năng của thị trường, ông đã bán xe làm vốn, sang xã Như Hoà, thuê đất để mở trang trại nuôi lợn nhằm mang lại thu nhập cho gia đình và đóng góp cho địa phương.

Cuối năm 2012, ông xây dựng trang trại để chủ yếu nuôi lợn siêu nạc. Những năm đầu tiên, thị trường tiêu thụ thịt lợn khá ổn định, gia đình ông có một nguồn thu lớn từ bán thịt.

{keywords}
Trang trại lợn tiền tỷ của nông dân Ninh Bình

Biến cố năm 2017, giá thịt lợn giảm sâu cùng với dịch bệnh làm ông Chính lao đao. Để tồn tại, ông Chính xác định cần có quy trình sản xuất khép kín và an toàn. Lợn giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các công ty uy tín, sau đó về được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Chu trình nuôi lợn khép kín, đảm bảo nghiêm ngặt vệ sinh an toàn truồng trại và khử khuẩn. Nhờ đó, trang trại lợn của ông đã vượt qua khó khăn.

Hiện, quy mô trang trại của ông rộng 4 mẫu với 250 lợn nái, 1.200 lợn thịt, kết hợp chăn nuôi cá và trồng cây lâu năm. Trung bình mỗi năm, trang trại của ông xuất ra thị trường khoảng 250-300 tấn thịt lợn, doanh thu về khoảng 22-24 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, ông Chính đang tham vọng lớn xây dựng mô hình trang trại thịt lợn sạch. “Trước kia mọi người đều chỉ mong ăn no và giờ thì quan tâm tới ăn sạch, sắp tới tôi sẽ xây dựng trang trại lợn an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”, ông bày tỏ mong muốn.

Khởi nghiệp từ hai bày tay trắng

Một mô hình trang trại quy mô lớn khác có doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm ở tỉnh Ninh Bình là của ông Nguyễn Văn Thảnh. Năm 2003, ông Thảnh khởi nghiệp với 4ha đất ruộng thuê lại từ xã với mô hình trồng lúa, nuôi lợn và thuỷ sản. Không có nhiều kinh nghiệm cùng với khó khăn của thiên tai, dịch bệnh nhiều lúc đã khiến gia đình khuyên ông nên từ bỏ.

Tuy nhiên, ông Thảnh vẫn tiếp tục kiên trì với tham vọng làm giàu từ nông nghiệp trên quê hương của mình. Ban đầu ít vốn, ông Thảnh đầu tư theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, từ nguồn thu của trồng lúa ông đầu tư nuôi lợn, nuôi cá. Cùng với sự hỗ trợ về chính sách và nguồn vốn từ cơ quan chức năng, ông Thảnh đã phát triển mô hình trang trại lên tới 15ha.

Doanh thu lớn nhất hiện nay của ông Thảnh là từ trang trại lợn. Ông cho hay, nuôi lợn doanh thu lớn nhưng lại rủi ro cao. Vì vậy, kiểm soát dịch bệnh là vấn đề quan trọng nhất. Ban đầu ông mua lợn giống từ công ty sau đó về nuôi gây dựng đàn lợn, từ đó tự chủ nguồn lợn giống. Các quy trình chăm sóc phải đảm bảo nghiêm ngặt để tránh dịch bệnh.

Hiện, trang trại của ông có quy mô 200 con lợn nái, 1.000 lợn thịt, doanh thu mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn sản xuất lúa giống và cá giống cung cấp cho các địa phương. Ông Thảnh đúc kết, thành công của ông là nhờ nuôi trồng đa canh, cái này bù cho cái kia. Ở thời điểm khó khăn như dịch bệnh, cây lúa mang lại thu nhập hỗ trợ cho chăn nuôi.

Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, ông Thảnh đang cùng bà con nông dân tìm cách giải quyết vấn đề môi trường xả thải để phát triển bền vững. Ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ về vốn, công nghệ trong thời gian tới.

{keywords}
Trang trại khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh
{keywords}
Lợn được tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh
{keywords}
lợn nái gây giống để phát triển lợn bán thịt 
{keywords}
Quy trình chăn nuôi được ghi chép và có máy móc hỗ trợ
{keywords}

Bên cạnh đó, người nông dân kết hợp nuôi ao cá, và trồng lúa

Đức Anh - Đức Yên