- Ông Nguyễn Văn Đông là bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi tại khoa Ung bướu, BV Bạch Mai (Hà Nội). Gia cảnh ông vô cùng khó khăn khi cậu con trai duy nhất bị động kinh, cả 5 miệng ăn trong gia đình hiện chỉ trông chờ vào cô con dâu tần tảo.

Mỗi lần đi viện phải “xoay” đủ 4 triệu

Mang trong mình căn bệnh ung thư phổi đã hơn 3 năm, nhưng ông Đông (SN 1954 trú tại thôn Thanh Phúc, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cả buổi trò chuyện, tuyệt nhiên không có những lời ca thán. Có lẽ tinh thần lạc quan bền bỉ của ông Đông đã lan sang những bệnh nhân đồng cảnh ngộ cùng phòng giúp họ phần nào bớt đi nỗi đau đớn thể xác vì bệnh tật giày xé. 

Sống hơn 60 năm gắn với nghề làm ruộng, cuộc đời ông Đông dường như chưa có một ngày “trọn niềm vui”. Ông Đông có hai người vợ, vợ đầu sinh được một cô con gái hiện đang làm giúp việc, vợ thứ hai sinh được một người con trai.

{keywords}
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đông hiện đang điều trị tại khoa Ung bướu - BV Bạch Mai (Hà Nội)

Cậu con trai của ông khi mới 15 tuổi thì bị phát hiện mắc chứng động kinh, kể từ đó, kiếm được bao nhiêu tiền ông Đông đều dồn cả chữa trị cho con. Ngôi nhà ngói lụp xụp vài gian ông xây từ năm 1984 đến nay chưa một lần sửa sang. Đời nhà nông chỉ trông chờ mấy sào ruộng cũng chẳng đủ tiêu pha chi phí cho 5 miệng ăn.

Cuộc sống cứ tưởng thế đã vất vả, nào ngờ năm 2011, ông phát hiện ung thư phổi. Căn bệnh quái ác mang đi không những tiền, mà còn khiến người đàn ông ngoài sáu mươi trở thành người ăn bám. 

Hơn 3 năm nay, mỗi tháng ông đều đặn bắt xe đò khăn gói lên Hà Nội khám, truyền, xạ trị. Mỗi lần dời nhà, dù muốn hay không ông cũng phải “xoay” đủ 4 triệu đồng. Thời điểm phải chạy hóa trị, tốn vài chục triệu đồng. Ông nhẩm tính, trong ba năm, khoản tiền chữa bệnh đó cũng lên tới cả trăm triệu. Với người khỏe mạnh, ở nông thôn kiếm được 4 triệu mỗi tháng đã khó huống chi với một gia đình toàn người bệnh, hoàn cảnh khốn cùng như gia đình ông.

Gia cảnh nghèo túng, 1 lao động nuôi 5 miệng ăn

Gia tài của 5 miệng ăn trong nhà ông là 8 sào ruộng. Thời gian đầu chữa trị tốn kém, ông phải nhắm mắt bán một phần ruộng để lấy 50 triệu trang trải. Giờ ruộng đã bán bớt, sức khỏe không còn, không có nguồn thu cố định, cả gia đình ông (gồm con trai bị động kinh, con dâu và hai người cháu) đều phải “chắt chiu”, thậm chí “nhịn ăn, nhịn tiêu”, tăng gia thêm lứa lợn, con gà và một con bò cái để gom góp cho ông đi bệnh viện mỗi tháng.

Hiện người lao động chính trong nhà ông là cô con dâu. Ngoài chuyện đồng áng chăm sóc con cái, những lúc khỏe chị tranh thủ đội bê tông mỗi ngày kiếm được 150 đến 200 nghìn phụ nuôi chồng, con và bố chồng bị bệnh. Nhưng mới đây, chị phải mổ do đau ruột thừa nên kinh tế gia đình đang rơi vào bế tắc. “Con dâu chưa bao giờ ca thán, nhưng tôi nhìn con mà xót xa”, ông kể.

Hiện anh em, họ hàng, bạn bè, lối xóm, chỗ nào vay được gia đình ông  cũng đều đã vay cả. “Nhiều lúc tôi không dám đến hỏi vay mọi người vì cùng cảnh khổ với nhau, tôi lại chẳng biết chừng nào mới trả nợ họ được”.

Mỗi lần lên Hà Nội ông đều cố gắng chắt bóp tiêu pha. Lúc nào khỏe đi tha thẩn xung quanh bệnh viện thấy mấy sợi dây nhựa ông cũng gom mang về quê đan thành rổ nhựa đem bán, mỗi chiếc rổ bán được 5–6 nghìn phụ giúp con cái tiêu pha. Lần nào ở viện mấy tuần đến hết cả tiền vé xe về Bắc Giang, ông lại đi xin tiền mấy đứa cháu làm thợ hồ trên này. 

Ông Đông đi viện mà không có người chăm sóc bởi tiết kiệm một người là tiết kiệm được một khoản lớn. Tự đi đường xa, tự lo cho mình từng bữa cơm, tự chăm sóc bản thân chính là cách ông nghĩ mình đang đỡ đi gánh nặng trên vai con dâu.

Một lần điều trị của một bệnh nhân như ông kéo dài từ 3 ngày đến 3 tuần, các bác sĩ đều biết hoàn cảnh khó khăn nên luôn cố gắng linh động các thủ tục để ông được về quê sớm. 

Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng ông Đông vẫn luôn lạc quan tin và không nguôi niềm hy vọng chữa khỏi bệnh. Ông bảo, giờ mình chỉ có một mong ước có thêm kinh phí để có thể chữa trị, để con dâu bớt khổ, hai cháu nhỏ không phải nhịn bữa sáng, đói bữa chiều.

“Tôi không đi chữa nữa con dâu cũng không nghe, nhưng còn chữa bệnh cháu con còn khổ”, ông nói rồi rưng rưng.

Mai Hiên

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về:

1. Ông Nguyễn Văn Đông

SN 1954, trú tại thôn Thanh Phúc, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. ĐT: 01629.504.225

2.Thông qua Quỹ HỖ TRỢ BỆNH NHÂN UNG THƯ - NGÀY MAI TƯƠI SÁNG:
-Chuyển trực tiếp đến Quỹ (ghi rõ ủng hộ ông Nguyễn Văn Đông):
Địa chỉ: Tầng 5, Nhà D, Bệnh viện K, 43 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội 
Hotline: 091 393 6658. Điện thoại: 04 6680 6969, Fax: 04 3978 5596
Email: [email protected]

-Chuyển qua tài khoản của Quỹ (ghi rõ ủng hộ ông Nguyễn Văn Đông):
Số tài khoản: (VNĐ) 142 020 100 5350 hoặc (USD) 142 020 100 5366
Tại: NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Đông Hà Nội.
Địa chỉ: 23B Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

3.Thông qua Báo VietNamNet: (Ghi rõ ủng hộ ông Nguyễn Văn Đông):

- Qua Tài khoản ngân hàng Vietcombank:
Đơn vị tiếp nhận: Báo VIETNAMNET.
 Số tài khoản: 0011002643148.
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội

Nếu bạn đọc chuyển khoản từ nước ngoài, xin gửi theo địa chỉ:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER.
The currency of bank account: 0011002643148.
Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM.
Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam.
SWIFT code: BFTVVNVX

- Qua Tài khoản ngân hàng Viettinbank:
Đơn vị tiếp nhận: Báo VietNamnet.
Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nếu bạn đọc chuyển khoản từ nước ngoài, xin gửi theo địa chỉ:
The currency of bank account: 1020.1000.158.2330
Bank: Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand.
Address:37 Hang Bo, Hoan Kiem, Ha Noi.
Swift code:ICBVVNVX122

- Hoặc trực tiếp qua báo VietNamNet:
+ Phía Bắc: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
+ Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: [email protected]