“Tôi có nhiều cái nhất. Cái nhất đầu tiên sẽ kể với các anh đó là bộ bàn ghế chúng ta đang ngồi uống nước này là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đây là gốc cây Gù hương có tuổi thọ trên 3.550 năm tuổi”, ông Nguyễn Công Đức (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) mở đầu câu chuyện.

Nói về cơ duyên với bộ bàn ghế này, người đàn ông này cho biết: “Bộ bàn ghế này chỉ là 1 trong 3 phần của cái gốc cây gỗ Gù hương mà tôi đã mua được ở bên huyện Kim Bôi từ 15 năm trước. Hồi đó vô tình phát hiện bộ rễ lớn nằm sâu dưới lòng đất trong một khu đồi của một gia đình người Mường. Tôi gạ bán thì người chủ này đồng ý ngay với giá chỉ bằng vài chục lít rượu”.

{keywords}

Ông Nguyễn Công Đức tiếp khách bên bộ bàn ghế gỗ Gù hương 3.550 tuổi. Một ngày, ông chỉ tiếp khách lúc sớm mai

Sau khi trả tiền, ông trở về nhà để thuê người đào bộ rễ cây này. Vốn là người uyên thâm về lịch sử, ông Đức lật dở những tư liệu cũ về vùng đất Kim Bôi và biết được rằng: Khu vực đồi núi của người dân tộc Mường mà ông mới gặp có bộ rễ cây Gù hương hàng nghìn năm tuổi. Loại cây này rất quý bởi tinh dầu thơm như nước hoa. Một số tài liệu cũng ghi rằng, từ thập niên 40 của thế kỷ trước, lúc người Pháp còn đô hộ vùng đất này, họ đã nhiều lần đưa máy móc tới cưa phần thân cây thành nhiều khúc rồi đưa về nước Pháp để làm nguyên liệu sản xuất nước hoa. Riêng bộ rễ cây nằm sâu trong lòng đất nên họ không khai thác được đành bỏ lại.

Hôm sau, ông Đức thuê xe chở hơn một tạ dây thừng đến. Ông tập hợp hơn 20 thanh niên trong bản vác cuốc, xẻng, xà beng lên núi. Đám người này phải đào bới hì hục suốt nửa tháng trời hệ thống rễ cây mới lộ ra. Lúc gốc cây gù hương lộ thiên, ông Đức lấy thước dây đo, đường kính của gốc cây lên tới 7,4 m.

Mặc dù đã đào được gốc cây lộ thiên nhưng làm cách nào để chuyển được gốc cây từ đỉnh núi xuống là điều không hề dễ dàng. Ông phải thuê 3 kích (mỗi kích nặng từ 60 – 70kg), 10 nhân công, 10 con trâu khỏe mạnh, mua thêm 5 tạ dây thừng, 200 cây chuối, ván và các vật dụng khác để di chuyển phần gốc cây xuống phía dưới. Không may, khi gốc cây đổ ập xuống thì vỡ làm ba mảnh khiến ông cứ ngồi nhìn gốc cây bị vỡ mà than thở, tiếc nuối.

Vào thời điểm đó, ông đã phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê người đào và vận chuyển cái gốc cây về nhà khiến nhiều người tò mò. Rồi ông tâm đắc kể: “Từ ba phần của gốc cây quý hiếm đó, tôi đã lấy phần có đường kính lớn nhất hơn 3m để làm giường ngủ. Bộ bàn uống nước mà tôi đang ngồi nói chuyện với các anh dài 2,7m này cùng 18 chiếc ghế là một phần của gốc cây Gù hương đó. Phần còn lại dài 1,4m tôi dùng làm một cái bàn nhỏ dựng cạnh đây để đựng các vật dụng cá nhân của mình”.

Nhìn từ xa, bộ bàn ghế Gù hương của người đàn ông rất đặc biệt. Các rễ nhỏ to quấn vào nhau đầy sinh động và đẹp mắt. Khi tới gần, một mùi hương thoang thoảng bay ra từ chính bộ bàn ghế này khiến chúng tôi nhầm lẫn với mùi thơm của một loại nước hoa nào đó.

Nghe tin ông sở hữu được gốc cây Gù hương khủng này, nhiều đại gia từ Hà Nội và các tỉnh thành đã về đây mục sở thị và gạ mua với giá hàng tỉ đồng nhưng chủ nhân vẫn lắc đầu.

Trong số các vị khách đến chiêm ngưỡng bộ bàn ghế này có cả một số nhà khoa học về khảo cổ. Khoảng năm 2005, một Giáo sư của Đại học Lâm nghiệp đến đây đã vô cùng kinh ngạc về bộ bàn ghế gỗ Gù hương này. Vị chuyên gia đó đã xin một mẩu nhỏ của gốc cây về để xét nghiệm. Kết quả thật khiến ông Đức càng thêm phần tự hào và bất ngờ vì gốc cây Gù hương này đã có tuổi thọ khoảng 3.550 – 4.000 năm tuổi.

(Theo Gia đình & Xã hội)