Doanh nghiệp có thờ ơ?
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế phát triển bền vững cũng là xu thế tất yếu. Trong lộ trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia phải kể đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay mới chỉ có 2.000 trong tổng số 700.000 doanh nghiệp tham gia Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Thông tin về phát triển bền vững cũng mới chỉ đến được với khoảng 100.000 doanh nghiệp.
Trong bối cảnh câu chuyện phát triển bền vững đang "nóng" chưa từng có, thì ở Việt Nam, chỉ một số doanh nghiệp lớn đi tiên phong. Còn lại, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất thờ ơ.
Những doanh nghiệp phát triển bền vững đều có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn (Ảnh minh họa) |
Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2020 với chủ đề: “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”, diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung lý giải, phát triển bền vững đòi hỏi phải đầu tư tốn kém, cùng với đó là những thay đổi trong văn hóa và thông lệ kinh doanh... khiến nhiều doanh nghiệp không muốn. Trong khi, các doanh nghiệp lại muốn giảm giá thành và dịch vụ.
Nhưng, có bao giờ các doanh nghiệp nghĩ, phát triển bền vững sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, ông Cung đặt câu hỏi.
Kết quả khảo sát do VCCI vừa tiến hành cho thấy, những doanh nghiệp nào áp dụng Bộ chỉ số phát triển bền vững sẽ đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn. Có tới 60% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đồng ý điều này.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thực tiễn câu chuyện kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chứng tỏ, những doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững có khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác. Định hướng phát triển bền vững thường đem lại sự chủ động tốt hơn. Thậm chí, khó khăn ập đến, không ít doanh nghiệp đã đạt được thành công và vẫn trụ vững được.
Mang lại giá trị lớn
Đại diện Công ty URC Việt Nam, một doanh nghiệp phát triển bền vững, cho biết, trong tất cả các hoạt động sản xuất họ luôn chú trọng nguyên tắc: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, để cải thiện hiệu năng sử dụng nước, năng lượng, đồng thời giảm rác thải.
Cụ thể, tại tất cả các nhà máy URC ở Việt Nam đều có hệ thống lọc thẩm thấu ngược và tái sử dụng nước, để tối ưu lượng nước đầu vào và hạn chế nước thải ra, đồng thời tránh thất thoát. Doanh nghiệp này cũng tiên phong sử dụng năng lượng sạch như khí CNG, năng lượng sinh khối,... để bảo vệ môi trường. Về quản lý chất thải, công ty giảm thiểu việc chôn lấp rác bằng cách chuyển cho các nhà thầu có chức năng xử lý, tái chế dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch lót vỉa hè, phân bón...
Đặc biệt, giúp giảm ô nhiễm môi trường |
Phát triển bền vững không làm tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, tăng việc làm, giảm thiểu tác động tới môi trường, đại diện URC Việt Nam khẳng định.
Công ty Heineken Việt Nam, một doanh nghiệp phát triển bền vững khác, cũng cho biết, năm 2014 khi thực hiện phát triển bền vững, chỉ cần tập trung vào các lĩnh vực như tuyên truyền uống có trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu khí thải CO,... đã giảm được 5,9% mức tiêu thụ nước và 7,1% mức tiêu thụ năng lượng so với năm 2013. Hiện các máy bia của tập đoàn đều sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, giảm thiểu phát thải khi carbon, 99% chất thải và phụ phẩm được tái chế, gần như không còn chôn lấp.
Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối để nấu bia, năm 2019 công ty đã thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỷ đồng cho người dân địa phương. Đây là minh chứng cho việc phát triển bền vững, không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế.
Đại diện một tập đoàn hóa mỹ phẩm quốc tế có mặt tại Việt Nam chia sẻ, họ có hơn 20 nhãn hàng phát triển theo tiêu chí bền vững và nhóm sản phẩm này tăng trưởng nhanh hơn 50% so với nhóm còn lại, mang lại doanh số lớn cho doanh nghiệp.
Năm 2016, Việt Nam xếp vị trí 88 về phát triển bền vững toàn cầu. Đến năm 2020 đã vươn lên vị trí thứ 49. Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá đây là bước tiến đầy ý nghĩa, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia phát triển bền vững đến nay vẫn chưa nhiều. Thách thức lớn làm sao mọi người nhận thức được đây là việc phải làm và thấy được những giá trị to lớn của phát triển bền vững. Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành những chương trình hành động, những chính sách khuyến khích phát triển bền vững hơn nữa. Những doanh nghiệp nào phát triển bền vững hiệu quả, có đóng góp lớn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và tôn vinh.
Theo VCCI, một cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12 nghìn tỷ USD trên toàn cầu, hay 230 triệu việc làm mới tại khu vực châu Á sẽ được tạo ra nếu 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc hoàn thành vào năm 2030.
Trần Thủy