Chị Ngân phải ngăn cản không thì chồng còn tiếp tục vác về một chiếc tủ lạnh cũ nữa. Chị than thở: “Chưa rõ chất lượng ra sao nhưng nhà mới mà lại dùng đồ cũ là tôi đã thấy chán rồi. Mà giá có rẻ đâu, cái bếp từ 10 triệu, nồi cơm điện 4 triệu. Với số tiền đó là tôi đủ mua bếp từ nhập khẩu rồi. Đồ Nhật cũ vừa xấu, chữ lại loằng ngoằng khó sử dụng.”
Nồi cơm Nhật bãi hình thức xấu và không có hiển thị tiếng Anh hay tiếng Việt. (Ảnh: Dân trí) |
Giống như chồng chị Ngân, có rất nhiều người tiêu dùng khác tại Việt Nam chỉ thích dùng hàng Nhật bãi, từ nồi cơm, bếp điện, điều hòa, máy lọc không khí, bộ âm ly tới cả những chiếc quạt bàn đơn giản. Có người còn “cuồng” tới mức lắp hẳn hệ thống hạ thế từ điện 220V sang điện 110V để tiện dùng hàng Nhật.
Dĩ nhiên có cầu thì ắt có cung, chỉ cần Google cụm từ "hàng Nhật bãi" thì sẽ hiện ra vô số cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo lời của các chủ cửa hàng quả quyết, những món đồ này mua về còn phải sử dụng thêm cả chục năm nữa mới chịu hỏng, hình thức bên ngoài tuy có xước xát trong quá trình vận chuyển nhưng đảm bảo hàng zin 100%.
Giá của sản phẩm phụ thuộc vào hình thức bên ngoài của mặt hàng. Một chiếc nồi cơm cũ có giá trung bình khoảng 1 triệu tới 5,6 triệu đồng. Tủ lạnh có giá từ 10 triệu trở lên v.v... Mỗi món đồ bán ra sẽ được chủ cửa hàng bảo hành trách nhiệm từ 3 tới 6 tháng. Khi được hỏi về trải nghiệm sử dụng, nhiều khách hàng tỏ vẻ hài lòng về những sản phẩm này và cho biết sẽ tiếp tục là fan trung thành của hàng Nhật bãi.
Tuy nhiên, nếu dành thời gian phân tích, hàng Nhật bãi chưa chắc đã là những "món hời", thậm chí nó còn đắt hơn cả hàng mới chính hãng.
Những chiếc điều hòa ố vàng này sau khi tẩy trắng sẽ được gắn mác hàng nội địa Nhật chất lượng cao. (Ảnh: Dân trí) |
Đầu tiên, về nguồn gốc hàng Nhật bãi đa số là đồ được chủ nhân cũ bên Nhật bỏ đi khi nâng cấp lên thiết bị mới hoặc đồ hỏng, bán thanh lý khi có người chuyển nhà. Các đầu nậu người Việt sẽ gom hàng và gửi về nước theo từng container. Tất cả các kiện hàng này đều được nhập lậu về Việt Nam, chúng không hề được kiểm tra, cấp phép nên chất lượng không đảm bảo. Việc trộn lẫn hàng cũ và rác thải điện tử là chuyện hoàn toàn bình thường.
Hàng từ container sẽ được dỡ ra mang về kho để phân loại. Những sản phẩm nào hình thức còn mới sẽ được bán dưới dạng hàng xách tay dùng lướt. Các món đồ đã quá cũ nát sẽ được vệ sinh, tẩy trắng để bán cho người có thu nhập bình dân. Hầu hết những nồi cơm điện có giá vài trăm nghìn đều thuộc loại này.
Có thể những sản phẩm giải trí như loa, âm ly khuếch đại thì không sao còn đối với nồi cơm hoặc tủ lạnh, nếu dùng hàng bãi kém chất lượng sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe. Vì vậy, người tiêu dùng không nên lựa chọn các sản phẩm quá cũ nát, có tuổi thọ quá 7-8 năm. Một số ruột nồi cơm cao tần do xước nhiều đã được các chủ cửa hàng tự tráng lại bằng lớp men không đảm bảo nên rất độc hại.
Việt Nam liệu có thiếu quạt không mà phải dùng loại hàng nát như thế này? (Ảnh: ĐSPL) |
Ngoài ra mọi người hay ca ngợi về độ bền thần thánh của hàng Nhật bãi, thế nhưng nếu điểm lại những sản phẩm bền bỉ ấy thường là nồi cơm, bếp điện, quạt điện. Thực chất chúng bền bởi vì do cấu tạo đơn giản, ít mạch điều khiển phức tạp chứ không phải do xuất xứ từ Nhật. Ở Việt nam, quạt điện do công ty Điện cơ sản xuất cũng có thể sử dụng cả 10 năm nếu bảo dưỡng định kỳ thường xuyên.
Vì vậy, khách hàng hãy là những người tiêu dùng thông thái để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Không nên chạy theo tâm lý sính ngoại để phải chịu cảnh hàng cũ giá cao.