Bất chấp thị trường điều chỉnh giảm nhẹ sau lần đầu tiền trong vòng hơn năm bứt phá lên ngưỡng 1.100 điểm, nhóm cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục tăng khá mạnh cho dù trong đó có những mã đã tăng vài ba, thậm chí trên 10 lần trong một năm vừa qua.

Trong phiên 30/12, cổ phiếu FLC tăng thêm 3%, ROS tăng 2,9%, KLF tăng 4,8%... Cổ phiếu GAB mở cửa phiên sáng 31/12 tăng nhẹ lên một mức cao mới: 196.600 đồng/cp.

GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán, với mức tăng khoảng 1.110% kể từ đầu năm, từ 16.250 đồng/cp cuối 2019 lên mức như hiện tại, tương đương mức tăng 12 lần.

Nếu tính từ khi mới lên sàn với giá tham chiếu 12.000 đồng hồi tháng 7/2019 thì cổ phiếu GAB của ông Trịnh Văn Quyết đã tăng 16,4 lần, một mức tăng hiếm có trên thị trường chứng khoán, và có lẽ chỉ có thể được so sánh với cổ phiếu ROS của chính đại gia này.

Trước đó, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết cũng từng là một cổ phiếu nổi bật trên TTCK với cú bứt phá mạnh từ mức 12.600 đồng hồi tháng 9/2016 lên đỉnh khoảng 180.000 đồng/cp hồi cuối 2017 rồi tụt giảm về mức như hiện tại. Tuy nhiên, một cổ phiếu liên quan đến ông Quyết là FLC hiện chỉ ở mức 4.480 đồng/cp.

{keywords}
Ông Trịnh Văn Quyết sắp đưa FLCHomes lên sàn chứng khoán.

Sau ROS và hiện là GAB, giới đầu tư trong thời gian tới có thể chứng kiến sự bứt phá của một cổ phiếu nữa cũng của ông Trịnh Văn Quyết: FHH của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes.

FLCHomes gần đây cho biết, muốn niêm yết 416 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 4.160 đồng, trên sàn HOSE. Trước đó, vào ngày 10/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về việc rút đăng ký niêm yết cổ phiếu của FHH chỉ sau chỉ sau chưa đầy 2 tháng nộp vào HNX.

Trên thị trường, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều mã tăng mạnh trong năm 2020 như cổ phiếu mới lên sàn THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings của đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy). Cổ phiếu THD đã tăng gấp hơn 5 lần sau khoảng 6 tháng lên sàn.

ThaiHoldings của Bầu Thụy hồi đầu tháng đã chốt danh sách cổ đông phát hành 296,1 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm huy động 2.961 tỷ đồng, trong đó phần lớn dùng để mua mua 81,% cổ phần Thaigroup - một doanh nghiệp cũng của ông Thụy và trước là công ty mẹ của Thaiholdings.

VIX của Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX cũng là cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2020 với mức tăng khoảng 6 lần.

VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng tăng 4,2 lần, từ vùng đáy 13.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 lên mức 55.000 đồng/cp như hiện tại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ dòng vốn lớn trong và ngoài nước trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính dồi dào, lãi suất tiết kiệm ở mức rất thấp. Kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế cũng giúp nhiều cổ phiếu bứt phá.

Theo đánh giá của SSI, ngành ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. SSI khuyến nghị, cần lưu ý rằng cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM (biên độ lãi ròng) của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Mặt khác, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM ở mức hạn chế.

SSI dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 31/12, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.100 điểm nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng.

Theo BVSC, vùng kháng cự 1.100-1.120 điểm đang tạo ra áp lực đáng kể cho VN-Index trong những phiên gần đây. BVSC tiếp tục bảo lưu quan điểm cho rằng, vùng kháng cự này sẽ còn tiếp tục khiến thị trường chịu sự rung lắc mạnh khi tiếp cận trong phiên cuối cùng của năm 2020. Hoạt động chốt NAV cuối năm của các quỹ vẫn sẽ hỗ trợ cho diễn biến của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu hướng sự chú ý đến mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sự phân hóa mạnh và sẽ luân phiên hỗ trợ thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trên thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, VN-Index giảm 1,95 điểm xuống 1.097,54 điểm; HNX-Index giảm 0,16 điểm xuống 196,94 điểm. Upcom-Index giảm 0,42 điểm xuống 73,41 điểm. Thanh khoản đạt 15,1 nghìn tỷ đồng.

V. Hà