Đây là nội dung trong bài báo về VNG đăng tải trên tờ báo tài chính Bloomberg. Theo Bloomberg, trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở VNG ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng sáng lập Lê Hồng Minh cho biết, công ty sẽ đẩy nhanh việc mở rộng trên toàn cầu. Game sẽ là mũi nhọn của nỗ lực này. Bên cạnh đó, VNG cũng tìm cách tăng doanh thu từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
Bloomberg nhận định, thành công của VNG tại nước ngoài sẽ là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, vốn nổi tiếng về dệt may và nông nghiệp. Như một phần trong kế hoạch tăng trưởng, VNG chuẩn bị giao dịch trên sàn UpCOM. Công ty cũng được cho là đang để mắt đến việc niêm yết tại Mỹ, song ông Minh không trực tiếp xác nhận.
Trả lời Bloomberg, ông Minh bày tỏ mong muốn “trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, cũng khắt khe nhất thế giới”.
Là một trong những startup được quan tâm nhất, nếu IPO tại Mỹ, VNG sẽ là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đầu tiên làm được điều này.
Theo ông Minh, VNGGames là chìa khóa để mở rộng ra quốc tế. Bộ phận ghi nhận người dùng ở hơn 130 quốc gia và dự kiến sẽ có 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023, theo trang web của đơn vị. VNG có 7 văn phòng ở nước ngoài, bao gồm Bắc Kinh, Đài Bắc và Bangkok.
Tiền thân là Vinagame, VNG ban đầu là nhà phát hành game năm 2004. Sau đó, công ty phát triển và phát hành các tựa game của mình, cũng như phiên bản trong nước của các tựa game quốc tế nổi tiếng. Sau đó, dần dần mở rộng sang nhiều loại dịch vụ như chia sẻ nhạc, truyền phát video, nhắn tin, cổng tin tức và thanh toán di động. Ứng dụng nhắn tin Zalo thành công đột phá khi vượt qua Facebook Messenger của Meta vào năm 2020 tại Việt Nam.
Ông Minh chia sẻ Zalo làm được điều đó bằng cách cho phép người dùng gửi hình ảnh chất lượng cao hơn và kết hợp các tính năng phù hợp với văn hóa, chẳng hạn biểu tượng cảm xúc Tết Nguyên đán.
Hiện nay, người dùng Việt Nam sử dụng Zalo để trò chuyện, thanh toán hóa đơn, mua sắm. Theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 2, Zalo có 74,7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, còn Messenger có 67,8 triệu.
Ông Minh cho biết: “Chúng tôi tự hào về việc chúng tôi đã cạnh tranh công khai với những người giỏi nhất thế giới. Chúng tôi có thể xây dựng một sản phẩm vượt trội nhờ sức mạnh sản phẩm và khả năng thấu hiểu người dùng”.
Tuy nhiên, tìm kiếm thành công ở nước ngoài sẽ không dễ dàng. Các hãng game hàng đầu như Tencent và Activision có ngân sách phát triển và tiếp thị hàng tỷ đô la cùng các tựa game nổi tiếng thế giới. Các ứng dụng của Mỹ, từ Facebook và Instagram đến Twitter và YouTube, thống trị thị trường mạng xã hội quốc tế, khiến TikTok của Trung Quốc trở thành câu chuyện thành công hiếm hoi của châu Á.
Alec Tseung đến từ KT Capital Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho rằng VNG có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhiều hơn vì sự tương đồng nổi bật với Tencent. Họ cũng kinh doanh game trực tuyến, nhắn tin xã hội, fintech, thương mại điện tử. Dù vậy, ông nhận xét VNG thiếu một số lợi thế so với gã khổng lồ Trung Quốc.
IPO thành công sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực của VNG. Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ VNG được định giá ở mức 2,2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD khoảng một năm trước. Ngoài ra, công ty cũng được các nhà đầu tư giàu có hậu thuẫn như Tencent, GIC và Temasek.
Trước các thông tin trên báo chí về khả năng IPO tại Mỹ, VNG đều từ chối bình luận.
Lấy cảm hứng từ Silicon Valley, ông Minh muốn nhân rộng văn hóa công sở của nó. Ba năm trước, VNG chuyển đến trụ sở chính có vách kính nhìn ra sông Sài Gòn trong một khu vực trước đây nổi tiếng về dệt may. Tòa nhà sở hữu kiến trúc phong thủy với không gian mở tràn ngập cây cỏ, quán cà phê, hồ cá koi, phòng tập thể dục hiện đại và nhân viên bấm laptop trên chiếc ghế khổng lồ.
Ông Minh xem VNG là chất xúc tác cho văn hóa khởi nghiệp non trẻ tại Việt Nam. Theo báo cáo của Do Ventures và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, năm 2021, Việt Nam thu hút các khoản đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục với hơn 1,4 tỷ USD vào 165 thỏa thuận, tăng từ mức 451 triệu USD với 105 thỏa thuận một năm trước.
“Trong tương lai, Việt Nam sẽ không chỉ nổi tiếng với cà phê và sản xuất. Chúng tôi có thể xây dựng năng lực, con người, cung cấp dịch vụ cho ngành công nghệ toàn cầu”, ông Minh khẳng định.