Bằng cách thu thập dữ liệu từ 163 quốc gia trên khắp thế giới, Bloomberg xây dựng hai chỉ số đo sức khỏe chính, đó là "điểm số sức khỏe" và "điểm trừ vì những rủi ro liên quan đến sức khỏe".
Nếu như "điểm số sức khỏe" dựa trên tỉ lệ tử vong, tuổi thọ của dân số thì "điểm trừ vì những rủi ro liên quan đến sức khỏe" lại bám vào các tiêu chí về ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân trước các tác nhân gây bệnh.
Thêm vào đó, ảnh hưởng tiêu cực của các tác nhân gây ô nhiễm môi trường cũng như tỷ lệ dân cư được tiếp cận với nước sinh hoạt cũng được tính đến. Sau khi hoàn thành, bậc sức khỏe sẽ được tính dựa trên phép trừ giữa hai thành tố trên để cho ra kết quả cuối cùng.
Dưới đây là 10 quốc gia đứng đầu danh sách các nước có dân số khoẻ mạnh nhất thế giới.
10. Luxembourg
Bậc sức khỏe (Health Grade): 87,87
Đứng thứ 10 trong danh sách chính là Luxembourg, một quốc gia Trung Âu nhỏ bé nhưng có nền kinh tế thuộc loại phát triển bậc nhất Châu Âu. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2.586,4 km2nhưng GDP đầu người năm 2017 của Luxembourg đạt mức 107.736 USD/năm (tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/năm), xếp hạng thứ 2 thế giới.
Hệ thống y tế công ở đất nước này vô cùng phát triển, tất cả tầng lớp dân cư đều được chăm sóc y tế miễn phí với nguồn ngân sách lấy từ hệ thống bảo hiểm xã hội của chính phủ. Bằng chứng là trong năm 2014, chính phủ Luxembourg đã chi tổng cộng hơn 3,3 tỷ USD (khoảng 75 nghìn tỷ đồng) để chi trả chi phí y tế công và nâng cấp bệnh viên cũng như các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Các trường học cũng khuyến khích học sinh tập thể dục thường xuyên. Ở nhiều nơi trên lãnh thổ Luxembourg, bạn có thể bắt gặp hình ảnh các phòng tập công cộng bố trí gần như hầu khắp mọi nơi.
Tuổi thọ trung bình của người dân Luxembourg luôn ở ngưỡng rất cao, đối với nam là 80,3 và nữ là 83,9; trong khi tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi đã giảm mạnh: trung bình trong số 1.000 trẻ sơ sinh chỉ có khoảng 1,7 em bé không may mắn được chào đời. Tuy vậy, các bệnh liên quan đến thiếu máu cho tim, bệnh Alzheimer và ung thư phổi là thủ phạm hàng đầu đe dọa đến sức khỏe của dân cư.
9. Israel
Bậc sức khỏe (Health Grade): 88,14
Israel, một quốc gia tới từ vùng Tây Á, được vinh dự là quốc gia Châu Á đầu tiên nằm trong top 10 của Bloomberg.
Hơn hẳn các quốc gia khác, chính phủ Israel rất coi trọng nền tảng y tế cộng đồng, thông qua việc duyệt chi khoản đầu tư lên tới 13,3 tỷ USD (gần 302 nghìn tỷ đồng) vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Chế độ ăn uống của người dân Israel rất lành mạnh, với nhiều cá, rau và các chất béo chưa bão hòa. Nhờ đó nồng độ cholesterol trong máu của họ thuộc hàng thấp nhất thế giới. Trái cây cũng là một món không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của người dân nước này.
Tuổi thọ trung bình đối với nam giới ở đất nước này trong năm 2016 là 80, con số đó tăng lên thành 84,1 đối với nữ. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi là tương đối thấp, trung bình cứ 1,000 trẻ được sinh ra chỉ có khoảng 2,9 trẻ thuộc dạng không may mắn sống sót mà thôi. Tại quốc gia Ả Rập này, nguyên nhân tử vong hàng đầu được cho là đến từ các căn bệnh liên quan đến não bộ, tim mạch hoặc thậm chí là cả bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
8. Thụy Điển
Bậc sức khỏe (Health Grade): 88,92
Xếp ngay trên Israel chính là Thụy Điển. Được biết đến là quốc gia có chỉ số hạnh phúc hàng đầu thế giới, không khó hiểu nếu như người dân Thụy Điển cũng luôn có thói quen duy trì sức khỏe điều độ. Bằng chứng là với việc tiêu thụ khá ít thức năng chứa nhiều tinh bột, cũng như chỉ ăn các loại chất béo phù hợp từ cá, người Thụy Điển có tuổi thọ cao thứ nhì khu vực Bắc Âu.
Hệ thống y tế công cộng ở Thụy Điển cũng rất phát triển, khi vào năm 2014 chính phủ nước này đầu tư lên tới 45 tỷ USD (gần 1.021 nghìn tỷ đồng) vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Tuổi thọ trung bình đối với nam giới ở đất nước này trong năm 2016 là 80,1, con số đó tăng lên thành 84,0 đối với nữ. Trong khi đó, nhắc đến tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi, trung bình cứ 1,000 trẻ được sinh ra chỉ có khoảng 2,1 trẻ thuộc dạng không may mắn sống sót. Nguyên nhân tử vong hàng đầu đến từ các căn bệnh liên quan đến não bộ, tim mạch hoặc thậm chí là cả bệnh mất trí nhớ (Alzheimer).
7. Nhật Bản
Bậc sức khỏe (Health Grade): 89,15
Không có Nhật Bản trong danh sách này sẽ là cả một sự thiếu sót lớn. Với dân số già nhưng có thói quen ăn uống và sinh hoạt rất khoa học, người Nhật nổi tiếng với tuổi thọ thuộc hàng cao nhất thế giới. Nữ giới trung bình có thể sống đến năm 86 tuổi, trong khi con số này ở nam cũng là gần như dẫn đầu thế giới – 80,8. Các nhà khoa học từng ước tính rằng, trên 1/4 dân số Nhật Bản hiện nay đã vượt ngưỡng 65 tuổi, và xu hướng thể hiện nền tảng sức khỏe toàn dân tốt đến mức nào.
Các món ăn từ cá như sushi, sashimi cộng thêm với thói quen tích cực tập thể dục hay tắm xông hơi nước nóng giúp cho thể trạng của người Nhật thêm khỏe khoắn hơn, để chống trọi với thời tiết lạnh khắc nghiệt ở xứ sở mặt trời mọc. Ngoài ra, hệ thống y tế công ở Nhật Bản cũng được cải thiện lên rất nhiều.
Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh của Nhật Bản rất thấp, chỉ rơi vào khoảng 1,9 phần nghìn. Những căn bệnh về tim mạch hay cao huyết áp hiện vẫn còn là mối đe dọa chính đến sức khỏe cộng đồng.
6. Tây Ban Nha
Bậc sức khỏe (Health Grade): 89,19
Nằm ở vùng ven Địa Trung Hải, Tây Ban Nha sở hữu một vẻ đẹp đặc trưng và con người ở đây cũng giữ cho mình thói quen ăn uống vô cùng lành mạnh. Phần lớn người dân có thói quen sử dụng dầu ô liu, rau tươi, thịt nạc và rượu vang đỏ, thay vì lựa chọn các món thức ăn nhanh như các quốc gia khác. Nhờ đó, họ duy trì được nền tảng sức khỏe tốt.
Chính phủ Tây Ban Nha rất chú trọng vào việc nâng cấp hệ thống y tế công với việc đầu tư khoảng 106 tỷ USD (tương đương 2.406 nghìn tỷ đồng) nhằm xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ việc chăm sóc sức khỏe.
Tuổi thọ trung bình đối với nam giới ở đất nước này trong năm 2016 là 80,3, con số này đối với nữ là 85,6. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi là ở mức chấp nhận được, trung bình cứ 1.000 trẻ được sinh ra chỉ có khoảng 2,7 trẻ thuộc dạng không may mắn sống sót. Điều không mấy tích cực lắm đối với Tây Ban Nha đó là tình trạng nghiện rượu và tiêu thụ thuốc lá ở đất nước này diễn ra khá trầm trọng, là tác nhân chính dẫn đến nhiều ca tử vong không mong muốn.
5. Úc
Bậc sức khỏe (Health Grade): 89,24
Là một đất nước hiện đại với môi trường trong lành ít khói bụi và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, Úc là điểm đến ưa thích của nhiều du khách và lẽ dĩ nhiên cư dân tại đây cũng tận hưởng cuộc sống theo cách lành mạnh nhất có thể. Với việc chi ra khoản tiền 67,8 tỷ USD (tương đương 1.539 nghìn tỷ đồng) vào việc nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, chính phủ Úc mong muốn tạo điều kiện để người dân có thể tận hưởng dịch vụ y tế công tốt nhất.
Tuổi thọ trung bình đối với nam giới ở đất nước này trong năm 2016 là 80,5, con số này đối với nữ là 84,6. Bên cạnh đó, khi nhắc đến tỷ lệ tử vong, cứ mỗi 1.000 em nhỏ được sinh ra thì khoảng 3,2 em không may qua đời – một tỷ lệ có thể chấp nhận được. Giống như nhiều người dân tại các quốc gia khác, rượu bia và các đồ uống có cồn khác luôn là tác nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và bệnh tật. Gần đây, xu hướng béo phì trong dân cư nước này cũng có dấu hiệu tăng lên.
4. Singapore
Bậc sức khỏe (Health Grade): 90,23
Singapore nằm trong top những thành phố trong lành và sạch sẽ nhất thế giới. Bạn khó lòng có thể tìm thấy bóng dáng bất kỳ tờ giấy ni lông hay cốc nhựa nào vứt bừa bãi trên hè phố. Bên cạnh các khu trung tâm mua sắm sang trọng, Singapore còn chào đón bạn với nhiều thảm thực vật đa dạng phong phú, mang đến môi trường trong lành và gần gũi với thiên nhiên. Người dân ở đây cũng được biết đến với thói quen tập thể dục đều đặn, nhờ đó tuổi thọ của họ cũng thuộc hàng cao nhất Châu Á.
Tuổi thọ trung bình đối với nam giới ở đất nước này trong năm 2016 là 81,3, con số này đối với nữ là 86,1. Tỉ lệ tử vong cũng được giảm thiểu đáng kể, xuống chỉ còn 1,8 phần nghìn, tất cả là nhờ thành tựu khoa học kỹ thuật trong phát triển y tế. Tuy chính phủ chỉ dành ra một khoản đầu tư tương đương 6,6 tỷ USD (gần 150 nghìn tỷ đồng) nhưng Singapore luôn được biết đến với nền y tế hiện đại hàng đầu thế giới.
3. Thụy Sĩ
Bậc sức khỏe (Health Grade): 90,75
Là một quốc gia nổi tiếng về đồng hồ và có một nền kinh tế vô cùng phát triển, Thụy Sĩ xây dựng hệ thống y tế công vô cùng đồng bộ và hiện đại nhằm đảm bảo sức khỏe toàn dân. Tổng cộng đã có gần 35 tỷ USD (tương đương 795 nghìn tỷ đồng) được chính quyền đất nước này đầu tư để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho y tế dân sinh.
Không khí ở Thụy Sĩ rất trong lành cùng với cảnh quan hùng vĩ của những dãy núi Alps khiến người dân nơi này có thói quen thể dục thể thao rất lành mạnh. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở đây rơi vào khoảng 81, trong khi đối với nữ giới là 85,2. Tỉ lệ tử vong rơi vào khoảng 3,4 phần nghìn, ở mức có thể chấp nhận được. Thuốc lá được coi là thủ phạm chính gây ra các vấn đề về sức khỏe ở đất nước Trung Âu này.
2. Iceland
Bậc sức khỏe (Health Grade): 91,21
Cá là món ăn chính tại đảo quốc này. Người dân thường dành nhiều thời gian đi bộ thư thái và câu cá như một thói quen thường ngày. Chính nhờ khẩu phần ăn gồm phần lớn là hải sản nên tuổi thọ trung bình của người dân Iceland là tương đối cao. Trung bình đàn ông nước này thọ đến năm 80 tuổi, trong khi con số này đối với nữ là 84.
Với tỷ lệ cứ mỗi 1.000 trẻ sinh ra thì chỉ có 1,5 em không may tử vong, Iceland sở hữu một trong những tỷ lệ tử vong ở trẻ thấp nhất thế giới hiện nay. Điều này phản ánh một phần trình độ hiện đại của nền y tế quốc gia này.
1. taly
Bậc sức khỏe (Health Grade): 93,11
Đứng đầu trong danh sách các quốc gia có dân cư sống khỏe mạnh nhất thế giới chính là Italy, quốc gia nổi tiếng nằm ngay bờ Địa Trung Hải. Tuy nền kinh tế quốc gia này đang có nhiều dấu hiệu suy thoái, nhưng điều đó không ngăn cản người dân Italy giữ cho mình một thói quen sống và sinh hoạt điều độ.
Chế độ dinh dưỡng của người Ý bao gồm rất nhiều thực phẩm sạch như trái cây, rau tươi và dầu ô liu tinh chất. Số lượng trái cây họ tiêu thụ hàng ngày lớn gấp nhiều lần các quốc gia khác trong khu vực, nhờ đó mà mức độ cholesterol trong máu tương đối thấp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng là nghề được cả nước công nhận và nằm trong top những ngành nghề có số lượng người tham gia đông đảo nhất.
Tuổi thọ trung bình của đàn ông Ý rơi vào khoảng 80, trong khi đối với nữ giới là 84,6. Tỷ lệ tử ở mức 2,7 phần nghìn, tương đối thấp so với các quốc gia khác. Đặc biệt, hệ thống y tế công ở Ý được nâng cấp và chú trọng hết sức, với khoản đầu tư của chính phủ lên đến 156 tỷ USD (khoảng 3.541 nghìn tỷ đồng) chỉ tính riêng trong năm 2017 – thuộc hàng lớn nhất thế giới. Tất cả những lý do này đã góp phần lý giải vì sao vị trí số một của Italy trên bảng xếp hạng Bloomberg là điều không có gì phải bàn cãi.
Theo GenK