4ehgs7fsmw8lzjxautkwine7ajt8v58j.jpg
Blockchain đang giúp đơn giản hóa các dự án khoa học vô cùng phức tạp trước đây.

Một nhóm các nhà hóa học thuộc Viện Khoa học Cơ bản Hàn Quốc và Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan đã sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để mô phỏng hơn 4 tỷ phản ứng hóa học được cho rằng đóng vai trò quan trọng trong nguồn gốc của sự sống trên Trái đất sơ khai. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Chem vào ngày 24/1/2024.

Các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh quá trình giải các phép toán phức tạp, vốn được sử dụng rộng rãi trong khai thác tiền điện tử, thành bài thí nghiệm các phản ứng hóa học. Mục tiêu là tìm hiểu các hình thức trao đổi chất nguyên thủy trên Trái đất trong điều kiện không có sự tham gia của enzyme. 

Dự án NOEL (Mạng lưới của cuộc sống sơ khai) đã tạo ra một hệ thống phản ứng hóa học quy mô lớn. Các nhà khoa học đã lựa chọn các phân tử cơ bản, được cho là đã tồn tại trên Trái đất sơ khai, bao gồm nước, khí metan và amoniac. Các quy tắc phản ứng có thể xảy ra giữa các loại phân tử khác nhau được xây dựng, sau đó được chuyển sang ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu được.

Cả các nhà hóa học và chuyên gia khoa học máy tính đã tích cực tham gia vào dự án. Để xử lý dữ liệu, họ đã sử dụng Golem - nền tảng điện toán trên hàng trăm máy tính khắp thế giới, với cơ chế thưởng tương tự như việc khai thác tiền điện tử.

Hệ thống phản ứng hóa học của NOEL ban đầu bao gồm hơn 11 tỷ phản ứng hóa học. Tuy nhiên, sau khi phân tích và lựa chọn, số phản ứng khả thi đã giảm xuống còn 4,9 tỷ. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu vết của các quá trình trao đổi chất đã biết và cũng tổng hợp được 128 phân tử sinh học đơn giản, làm sáng tỏ các quá trình hóa học tiền sinh học ban đầu, cho phép hiểu rõ hơn về cách sự sống bắt nguồn trên Trái đất.

Nhờ blockchain, các dự án khoa học phức tạp ngày càng trở nên dễ tiếp cận ngay cả với các trung tâm nghiên cứu nhỏ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. 

(theo Securitylab)