CEO BlackBerry John Chen đã nhiều lần lớn tiếng tuyên bố, hãng sẽ rút khỏi mảng kinh doanh điện thoại nếu nó tiếp tục không mang lại lợi nhuận. Nếu ông Chen giữ lời hứa thì điện thoại BlackBerry có thể sắp trở thành món đồ của quá khứ.

{keywords}

BlackBerry đang phải đón nhận tin xấu từ việc kinh doanh điện thoại. Công ty Canada này chỉ bán được 500.000 điện thoại trong quý đầu tiên của năm tài chính hiện tại, giảm so với mức 600.000 điện thoại bán ra vào quý trước đó. Cách đây 2 quý, doanh số bán điện thoại của BlackBerry thậm chí còn đạt 700.000 chiếc.

Thực tế này cho thấy xu hướng tuột dốc không phanh ở mảng kinh doanh điện thoại của BlackBerry. Đây là dấu hiệu mới nhất ám chỉ, điện thoại BlackBerry có thể sắp đến ngày tàn.

BlackBerry từng hy vọng vãn hồi doanh số bán hàng bằng cách kết hợp với Google để sử dụng phần mềm Android cho điện thoại Priv của hãng. Song, tình hình không hề được cải thiện, khi hãng công nghệ AT&T công khai chê bai hoạt động yếu kém của Priv và công ty viễn thông Sprint lảng tránh việc hỗ trợ bán Priv bất chấp cam kết trước đó.

Theo các con số thống kê mới nhất, BlackBerry đã tổn thất 670 triệu USD trong quý tài chính đầu tiên của năm nay. Nếu loại trừ các thiết bị được phát hành trước đây, hãng chỉ thu được lợi nhuận rất nhỏ.

Tổng doanh thu của BlackBerry được công bố là 400 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 470,9 triệu USD kỳ vọng của các nhà phân tích. Nó cũng cho thấy sự sụt giảm tới 40% doanh thu so với cách đây một năm, chủ yếu do mảng kinh doanh điện thoại ế ẩm.

Tuy nhiên, CEO BlackBerry John Chen vẫn lạc quan về khả năng kiếm tiền từ kinh doanh điện thoại. Ông thậm chí còn tự  hào về việc công ty đã tìm được cách bù đắp tổn thất trong lĩnh vực này.

Trước kia, lợi nhuận của BlackBerry chủ yếu phụ thuộc vào việc kinh doanh điện thoại. Song, trong quý này, 39% lợi nhuận của hãng đến từ việc cung cấp các dịch vụ và phần mềm, trong khi kinh doanh điện thoại chỉ chiếm 36% lợi nhuận. Điều này có thể do công ty đã đẩy mạnh quá trình chuyển hướng trở thành một nhà cung cấp phần mềm và dịch vụ cho doanh nghiệp trong nhiều năm qua.

Đây là quý thứ hai liên tiếp, mảng phần mềm và dịch vụ của hãng có doanh thu tăng hơn gấp đôi và phát triển tới 131% so với năm ngoái.

Song, một số nhà phân tích cảnh báo, đây mới chỉ là sự khởi đầu tốt đẹp và BlackBerry cần phải khiến mảng phần mềm sinh ra nhiều lợi nhuận hơn nữa trước khi điện thoại của họ hết thời.

Tuấn Anh (Theo CNET)