Ngày 16/6, trên fanpage chính thức Bphone, phía Bkav đã đăng bài viết đề cập đến 3 vấn đề đang bị dư luận nghi ngờ trong thời gian gần đây xoay quanh chuyện hình con bướm trên Bphone nhái hình ảnh của Apple Watch, Bphone nhái kiểu dáng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và nghi vấn nhà máy Bphone không đủ năng lực sản xuất hàng chục nghìn sản phẩm mỗi tháng.

Về “nghi án” Bphone nhái hình ảnh con bướm trên chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch, bài viết khẳng định con bướm là hình ảnh ai cũng có thể dễ dàng đặt mua tại trang web Inmagine.com - một trang rất nổi tiếng trong giới thiết kế, chuyên cung cấp ảnh chất lượng cao. Cụ thể, link mua hình ảnh con bướm có tại đây.

Về chuyện Bphone bị nghi nhái sản phẩm của Trung Quốc, nội dung trên fanpage Bkav khẳng định: Bphone được đăng ký bản quyền thiết kế từ năm 2011 và hồ sơ đăng ký bản quyền được công khai trên website của Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Bphone cũng sử dụng vỏ nhôm nguyên khối và chip Snapdragon 801, trong khi chiếc smartphone của Trung Quốc bị đồn đoán được Bphone “mượn” kiểu dáng mới chỉ xuất hiện cuối năm 2014, dùng vỏ nhựa, chạy chip MediaTek.

Còn liên quan đến chuyện cộng đồng nghi ngờ về năng lực lắp ráp của nhà máy Bphone, cho rằng “làm sao có thể sản xuất được hàng chục nghìn sản phầm/tháng?” bài viết trên fanpage Bphone đã lấy ví dụ thực tế với nhà máy của Samsung Thái Nguyên (SEVT) để lý giải.

Cụ thể, SEVT với 15.000 nhân viên có thể hoàn thành 9 triệu sản phẩm/1 tháng, tương đương mỗi một nhân viên một ngày có thể hoàn thành bình quân khoảng 23 sản phẩm. Tuy nhiên Bphone là vỏ nhôm nguyên khối, sản xuất khó hơn, mất thời gian hơn nên sản lượng có thể giảm hơn nhưng ít nhất mỗi người cũng đạt 15 sản phẩm một ngày.

Như vậy chỉ với 50 nhân viên, mỗi ngày nhà máy của Bphone cũng có thể làm được 750 sản phẩm và mỗi tháng sẽ làm được 19.500 sản phẩm.

Bài viết với nội dung xoay quanh 3 “nghi án” liên quan đến Bphone nói trên được đăng tải một ngày sau khi phía Bkav chính thức công bố Bphone bản thương mại sẽ được giao đến tay khách hàng từ ngày 18 – 31/6/2015, sau 9 ngày bị “trễ hẹn” do thoả thuận MADA (Mobile Application Distribution Agreement) của doanh nghiệp này với Google có sự thay đổi về nâng cấp ứng dụng.