Gần đây khi nghe nói về Bitcoin và tuyên bố “bom tấn” về đồngLibra của Facebook cho cộng đồng mạng thế giới, tôi không khỏi giật mình. Làm nghề ngân hàng, tôi không thể tưởng tượng được bước tiến khủng kiếp của công nghệ và thực sự đang có cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghiệp tài chính.

Bitcoin, Libra và chuyện chưa có tiền lệ

Trước hết Bitcoin là tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), được tạo ra bởi một người hoặc tổ chức có biệt danh là Satoshi Nakamoto . Hiểu một cách nôm na thì, chuyên gia hay một nhóm chuyên gia về công nghệ thông tin (IT) đã dùng thuật toán để tạo ra nó.

Ở góc nhìn của chuyên gia IT, Bitcoin còn hơn thế. Không chỉ là tiền, Bitcoin còn là công nghệ và là một mạng lưới giao dịch, trao đổi quốc tế phi tập trung hóa hoàn toàn. Nó là một trong những phát minh lịch sử của thời đại máy tính - tạo ra đồng tiền ngang hàng cho mọi người dân tiếp cận vào thế giới tài chính quốc tế mà không cần phải qua sự kiểm duyệt của bất kỳ ai. Chỉ cần tải một ứng dụng đơn giản, người dân có thế trở thành thành viên của nền kinh tế toàn cầu, sử dụng loại tiền Bitcoin để chuyển đi thanh toán bất kỳ đâu mà không cần mất phí hoặc phí không đáng kể.

42 ngân hàng toàn quốc và 59 ngân hàng địa phương của Nhật Bản đã tham gia cùng công ty Fintech tạo ra mạng lưới thành toán mới -Ripple –SBI Ripple Asia trên nền tảng công nghệ Blockchain trên cơ sở cùng sáng tạo ra đồng SBICoin làm đồng tiền có thể chuyển đổi các loại tiền tệ khi giao dịch thanh toán.

Nếu như giải pháp thanh toán Ripple của liên kết này hoàn thiện, nó có thể thay thế mạng SWIFT hiện nay với phí thanh toán quốc tế rất rẻ thậm chí bằng không.

{keywords}
Rào cản trong tư duy chính sách đang hạn chế Bitcoin, Libra.

Trong khi đó, ở Việt Nam, vụ mua bán Bitcoin của công dân tại tỉnh Bến Tre, chúng ta chưa có mã ngành, vì vậy cơ quan quản lý đã từ chối đăng ký kinh doanh Bitcoin, và anh Nguyễn Việt Cường (Bến Tre) đã không nộp thuế.

Hai việc trên cho thấy thách thức không hề nhỏ với quản lý nhà nước cả phương diện quản lý thuế, hệ thống thanh toán, tiền tệ.

Với dự án phát hành đồng Libra của Facebook đúng là ”bom tấn” cho giới  công nghệ tài chính và lập pháp. Libra cũng là đồng tiền số nhưng tham vọng của dự án này còn khủng khiếp hơn nhiều, với việc neo giữ đồng Libra với các đồng tiền thật của các quốc gia theo mức tỷ giá nhất định. Nếu thành công sẽ vô tình biến Libra trở thành đồng tiền chuyển đổi chung của thế giới có xu hướng ổn định vì nó được gắn với rổ tiền tệ mạnh của thế giới thực. Bên cạnh là lượng người dùng của Facebook là 2,4 tỷ người có thể tạo ra đế chế tiền tệ không thể lường hết.

Hình thái tiền tệ của nhân loại

Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận. Tiền có 3 chức năng quan trọng: thước đo giá trị; phương tiện thanh toán; và phương tiện để tích lũy của cải.

Từ thời hồng hoang lịch sử của loài người, các hình thái của tiền tệ cũng đã hình thành. Có nơi dùng vỏ sò; có nơi dùng da dê, da ngựa làm tiền…. Cuối cùng, sau quá trình chọn lọc và với tính chất quý hiếm, dễ phân nhỏ, dễ cô lại thành khối to, Vàng đã được trao sư mệnh là đồng tiền thật của nhân loại sau dần tiền giấy, tiền ngân hàng được phát hành.

Khi công nghệ phát triển chóng mặt như ngày nay, loài người đang sống trong 2 thế giới, thế giới thực và thế giới ảo (thế giới mạng). Bùng nổ internet với công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như IoT, điện toán đám mây, Bigdata, Blockchain, AI, in 3D, Nano… mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, dân tộc vươn lên.

Phải chăng Bitcoin, Libra và nhiều đồng tiền số khác ra đời là những hình thái tiền tệ của thế giới mạng trong tương lai mà loài người sẽ dùng? Nó cũng có đủ 3 chức năng của tiền là thước đo giá trị, là phương tiện thanh toán và cũng dùng để tích trữ của cải.

Chỉ có điều nó được tạo ra bởi các thuật toán lập trình, người nắm giữ nó có một mật mã là họ có quyền ngang hàng với bất kỳ ai, không kể tỷ phú hay người nghèo của các quốc gia khác nhau, hay bất cứ tổ chức nào, nếu cứ nắm giữ một lượng đồng tiền số là có thể trao đổi bình đẳng không cần ai phê duyệt, cho phép.

Thách thức tư duy chính sách

Hãy thử tượng tượng rồi đây, đồng tiền Bitcoin, Libra, JPM Coin, SBI Coin được sử dụng trong trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ trong thanh toán chuyển tiền toàn cầu sẽ tác động thế nào về hệ thống thanh toán, chính sách tiền tệ và thuế khóa của mỗi quốc gia.

Điều dễ nhận thấy trước tiên là khi mà đồng Libra hay bất cứ liên minh nào khác dùng kỹ thuật số tạo ra (phát hành) một loại tiền khi nó đủ lớn tạo ra hệ thống ngân hàng ngầm (trên mạng) sẽ khuynh đảo việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông của bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Đây thực sự là thách thức cho chính sách tiền tệ độc lập.

Tham vọng của Facebook tạo ra đồng Libra gần như đồng tiền chuyển đổi chung của thế giới đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bộ trưởng Tài chính Pháp hay Nghị sỹ Hạ viện của Mỹ không phải ở lý do đơn thuần về một đồng tiền trong thế giới ảo hoặc mất lòng tin của Facebook mà là thách thức quyền lực của đồng bạc xanh (USD) hay đồng Euro.

Với các quốc gia đang phát triển, nếu đồng tiền nội tệ bị lạm phát cao bào mòn thì sẽ xuất hiện tình trạng “đô la hóa’’, “Libra hóa”, vì niềm tin của người dân vào nội tệ không cao chuyển sang nắm giữ đồng tiền ngoại tệ tốt hơn. Như vậy, hiệu lực của điều hành chính sách tiền tệ trở nên kém hơn.

Hệ thống thanh toán quốc gia hay chuyển tiền đi quốc tế cũng sẽ trở nên bị de dọa nhiều hơn. Khi có mật mã nắm trong tay, có tiền số tích trữ trong máy tính cá nhân có kết nối mạng internet là họ có thể chuyển đi bất kỳ đâu. Khi ấy việc kiểm soát tiền tệ ra/vào quốc gia trở nên rất khó khăn và đầy thách thức, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, khó khăn trong điều hành tỷ giá.

Và nhất là vấn đề kiểm soát rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố càng thách thức hơn. Đơn cử vụ việc sử dụng mạng internet (công nghệ kết nối chưa phải tiền kỹ thuật số) của công dân Trung Quốc sang du lịch Việt Nam cà thẻ vào POS của doanh nghiệp Trung Quốc đặt chui ở Việt Nam chuyển thẳng tiền về Trung Quốc cũng đã làm cho các cơ quan quản lý rất đau đầu.

Việt Nam đã có những bước đi ban đầu về việc xử lý các vấn đề của tài sản ảo, tiền ảo bằng quyết định 1255/QĐ-TTg, ngày 21/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Chính phủ đã chỉ rõ các bộ ngành chức năng theo nhiệm vụ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hiện trạng pháp lý trong nước và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề trên.

Tuy nhiên, tiến độ rất cần tăng tốc hơn, sự phối hợp các bộ ngành cần chuyên nghiệp hơn trong môi trường mà công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ. Thực tế của thị trường không thể ngồi chờ chính sách, đã có khá nhiều Startup người Việt di dời sang Singapore để đăng ký thành lập nhưng lại nhắm về thị trường Việt Nam để kinh doanh, chỉ vì lý do Việt Nam chưa có quy định pháp lý.

Để gỡ nút thắt này, tôi cho rằng, cần có cuộc cách mạng về tư duy chính sách. Cần có tư duy thực sự đổi mới từ cách tiếp cận cho đến việc thiết kế, xây dựng chính sách cởi mở hơn mới có thể tạo đột phá cho nền kinh tế. Cần đoạt tuyệt với tư duy “không quản được thì cấm” hoặc mang “cái áo cũ” bắt các Startup khởi nghiệp kinh doanh trên mô hình kinh doanh mới, triệt tiêu hoàn toàn sáng tạo. Cần có biện pháp loại bỏ tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm của các bộ ngành trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới có thể kỳ vọng về cuộc đột phá trong hoạch định chính sách phát triển.

Thử suy ngẫm về khái niệm “tài sản” được xác định tại Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015. Khái niệm “tài sản” bao gồm: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Trong khi đó, khái niệm “tài sản” của quốc tế được đề cập trong các từ điển như Investopia, Cambridge,… được định nghĩa: “Tài sản là một tài nguyên có giá trị kinh tế mà một cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia sở hữu hoặc kiểm soát với kỳ vọng rằng nó sẽ mang lại lợi ích trong tương lai”.

Có thể thấy, “tài sản” theo quy định của pháp luật Việt Nam mang tính chất liệt kê những đối tượng được coi là tài sản, trong khi đó khái niệm “tài sản” của quốc tế lại mang tính mở và khái quát cao. Như vậy, theo cách tiếp cận quốc tế thì đương nhiên tiền ảo, tài sản ảo là thuộc tài nguyên số, khi kinh doanh mua bán, chuyển nhượng mang lại giá trị thì phải chịu thuế. Trong khi Việt Nam còn khá lung túng.

“Tài sản ảo là một hình thức đại diện dưới dạng kỹ thuật số của giá trị, có thể được giao dịch, chuyển giao tự động và có thể được sử dụng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không phải là tiền kỹ thuật số, chứng khoán và các tài sản tài chính khác đã được đề cập ở những văn bản  khác trong Khuyến nghị của FATF”.

Đây là định nghĩa về tài sản ảo của FATF (Ủy ban hành động tài chính của G7) đã được thế giới công nhận nhưng chưa được quy định trong pháp luật của Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến các giao dịch liên quan đến các “tài sản ảo” tại Việt Nam thiếu hành lang pháp lý để kiểm soát, dễ bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động không hợp pháp.

Có lẽ, bài toán hàng đầu phải giải hiện nay chính là rút ngắn về khoảng cách tư duy làm chính sách và thực tiễn cuộc sống.

Phạm Xuân Hòe