Binky – một ứng dụng cho smartphone, làm mọi thứ mà bạn mong muốn một ứng dụng có thể có. Nó có những bài đăng riêng, nó có chức năng “Thích – Like”, ta có thể “Bình luận – Comment” trên đó, bạn có thể kéo nó xuống vô tận mà không hết bài, cũng như Facebook, Instagram hay 9GAG vậy.
Mỗi post trên Binky được gọi là một “bink”, đủ các thứ trên trời dưới biển, từ đồ tắm, nồi cơm, giày dép cho tới những hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng. Bạn có thể like một bink bằng cách ấn vào ngôi sao nhỏ nhỏ kèm, bạn cũng có thể re-bink (share, na ná giống retweet), quệt trái quệt phải y hệt như Tinder. Những điều trên đều chỉ là những trải nghiệm được nghe thiên hạ đồn thổi, hiện Binky mới có mặt trên iOS nên tôi chưa được tự mình trải nghiệm.
Và có một sự thật nữa, rằng chẳng có tấm ảnh nào, bài đăng nào là thật cả. Binky là một thành phố đông đúc bài đăng nhưng chẳng có cư dân nào sinh sống ở đó, mọi nội dung trên ứng dụng này đều là giả và mọi phản hồi từ người dùng đều bay biến vào hư không. Nghe chừng hơi vô nghĩa, nhưng có lẽ đó chính là thứ người sử dụng smartphone MUỐN, có khi thậm chí là CẦN.
Thật kì lạ khi nghĩ rằng nội dung chỉ là thứ yếu trong một ứng dụng cung cấp nội dung. Khi mà Bill Gates tuyên bố rằng “Nội dung chính là Vua – Content is King” hồi năm 1996, ông hàm ý rằng những người tạo nội dung kỹ thuật số sẽ giàu có hơn nhiều những nhà sản xuất máy tính. Gates đưa ra ví dụ rằng TV là một phát minh dẫn tới vô vàn ngành công nghiệp khác, nhưng những phát thanh viên – những người tạo nên nội dung – lại là những người hưởng lợi về lâu về dài.
Nhà tỷ phú này vừa đúng vừa sai.
Đúng, là khi về khía cạnh nội dung mà nói, từ việc quảng cáo trực tuyến cho tới nền tảng mạng xã hội, nó đã kiếm được một con số lợi nhuận khổng lồ trong hai thập kỷ vừa qua. Nhưng bên cạnh đó, những sản phẩm điện tử cũng có được cho mình những con số lớn không kém đó chứ? Chẳng ví dụ đâu xa, ta có ngay hãng Apple với những sản phẩm đắt tiền của họ.
Sai, là khi ta xét tới sự trỗi dậy mạnh mẽ của những Facebook, Google, Uber, Microsoft, Amazon và vô vàn các ông lớn khác, “nội dung” đã không chỉ còn là một từ đơn giản phản ánh những ý tưởng làm thành tiền, mà nó đã là một ngã tư đường, nơi các con phố mang tên “máy móc”, “dịch vụ”, “truyền thông” và “ý tưởng” giao nhau. Người ta đang lấp đầy những thời gian biểu trống bằng công nghệ, và chính vì thế công nghệ ảnh hưởng lên cuộc sống của ta hơn những ý tưởng mà các nội dung ta đọc mang lại.
Marshall McLuhan, nhà giả thuyết học hàng đầu nêu lên rằng truyền thông là một phương thức hoạt động của cách đối xử tại từng người chứ không phải là một kênh để lan truyền ý tưởng. Với McLuhan, ý nghĩa của từng cuốn sách, từng chương trình truyền hình, từng bài báo, bộ phim hay bất kể một phần mềm máy tính nào chỉ là sự đánh lạc hướng. Quan trọng hơn: đó là cách mà truyền thông thay đổi cách nghĩ và cách cư xử của con người. Ví dụ như một cuốn sách tạo ra một xã hội nhỏ trên từng trang giấy mà trong đó, kiến thức gói gọn trong một điểm duy nhất, một điểm chắc chắn, một điểm có thể tin tưởng được nhờ có sự đồng đều của từng con chữ, từng thông tin trên tờ giấy in.
Binky không chỉ đem lại cảm giác thỏa mãn như những ứng dụng xã hội khác, thậm chí nó còn khiến người sử dụng thỏa mãn hơn bình thường.
Hiệu ứng ấy tới từ điện thoại thông minh đã tiến hóa và thay đổi theo từng thời kì. Khi mới ra mắt, nó chỉ là một chiếc điện thoại mỏng manh có thể được dùng để nghe gọi, xem một vài video và có vài ba ứng dụng đơn giản. Nhưng bây giờ, với hàng triệu ứng dụng và các loại mạng xã hội tồn tại, bỗng dưng nó trở thành một thứ “chất gây nghiện” của thế kỷ mới này.
Với bản chất của nội dung, vẻ ngoài và ý nghĩa của nó không quan trọng bằng cách thức nó thay đổi cách hành xử của con người. Còn với điện thoại thông minh, việc nhìn và chạm vào những thiết bị ấy quan trọng hơn việc ta xử lý, phân tích những ý nghĩa mà nó mang lại.
Thiết kế của Binky tập trung vào việc gột sạch đi mọi ý nghĩa ấy. Mọi “bink” trên Binky đều chỉ là những hình ảnh đơn giản với một tựa đề ngắn, được chọn ngẫu nhiên và số lượng bink kéo dài vô tận. Việc “like” một bink chẳng đem lại lợi lộc gì (ngoài mấy ngôi sao nhảy múa trên màn hình), quệt bink và re-bink chẳng chia sẻ nó cho ai hết, nó chỉ đem lại cho ta cái CẢM GIÁC của việc sử dụng nó mà thôi.
Phần comment – bình luận mới là phần thú vị, vì thực tế ta chẳng gõ được gì theo ý mình cả. Vì bạn cứ gõ, nó sẽ cứ hiện ra những câu nói bạn thường thấy trên mạng xã hội, kiểu như “Ôi cái anh này là John Cena đây mà #tuyệtvời #cácthứcácthứ”, đại loại vậy. Nó cho ta một cuộc sống ảo đúng nghĩa sống ảo?
Binky, ứng dụng mạng xã hội chẳng cần tới “mạng” cũng như không có yếu tố “xã hội” nào, nhưng nó vẫn đem lại cho ta cái cảm giác thỏa mãn y hệt như khi ta dùng những Facebook hay Instagram. Thậm chí, những bài đăng, những bink kia chẳng có gì đặc biệt: chúng chỉ là những tấm ảnh đơn giản.
Dan Kurtz, cha đẻ của Binky nói rằng ý tưởng để tạo ra ứng dụng này tới từ chính cảm nhận của anh khi anh lướt qua những tràng dài tin tức trên Facebook và Twitter khi anh đứng đợi tàu. “Tôi còn chẳng muốn tiếp xúc và cảm nhận tới một mức độ cao như thế với bất kì thứ gì”, anh nói, “nhưng tôi lại cảm thấy mình NÊN xem điện thoại, như thể đó là một hành động mặc định của một người vậy”.
Anh Kurtz thắc mắc rằng một nền tảng mạng xã hội cung cấp tin tức sẽ ra sao nếu như anh “lột trần” nó ra, biến nó thành một dạng dịch vụ thuần khiết, chẳng có một chút nội dung nào. Đó có khi lại là thứ mà người ta cần: không phải là những nội dung được cung cấp dưới dạng những hình ảnh, những video hay những bài viết; mà chỉ là một ứng dụng cho phép ta được làm những hành động lặp đi lặp lại, ấn những nút có mục đích riêng (dù chẳng có tác dụng gì) và xem nó diễn ra như thế nào.
Bink mang tới cho ta một khía cạnh mới để nói về thứ gọi là “hiệu ứng smartphone”, với chút phong cách của chuyên gia McLuhan đâu đó (mọi thứ đều gói gọn trong một thứ thiết bị nhỏ bé, và nó làm thay đổi cách cư xử và cách nhìn nhận của ta). Dù rằng, ta không còn cảm thấy hứng thú khi cầm một thiệt bị hữu dụng trên tay nữa, thay vào đó là một sự khó chịu mơ hồ nào đó liên quan tới thói quen liên tục phải sử dụng một thứ đồ gì, đến mức nhiều người cực đoan còn gọi là quá lệ thuộc vào điện thoại. Nhưng, cái thói quen/tật xấu ấy sẽ còn trường tồn, dù ra có tỏ ra khó chịu hay cố gắng bác bỏ nó như thế nào.
Binky cho chúng ta một cách thức mới để tiếp cận với những thói quen/tật xấu mà giờ đây được cho là ai cũng có ấy. Nếu như vấn đề không nằm ở việc sức ép khiến ta phải biết tới những ý tưởng/nội dung mới để theo kịp thời đại, mà là do ta tin rằng bản thân ý tưởng/nội dung ấy rất quan trọng với chính mình? Bink cho phép ta được ấn, kéo xem ảnh, like này kia, bình luận này nọ mà chẳng cần biết những hành động ấy có ý nghĩa gì, vì đơn giản chúng đều là những hành động vô nghĩa.
Ta thấy được sự hài hước cũng như những yếu tố nhạo báng đằng sau ứng dụng Binky này. Bản thân cái tên của nó cũng vậy, binky có nghĩa là “núm vú giả cho trẻ em” (mà biểu tượng của ứng dụng này cũng có hình ấy), bí mật nói với người dùng rằng họ chỉ là những đứa trẻ đang làm một việc không mục đích.
“Coi nè, ai cũng muốn ứng dụng của mình hiện lên những thứ mới khi ta kéo màn hình điện thoại xuống”, trang web của Binky mô tả ứng dụng của mình. “Chẳng cần biết thứ mới xuất hiện kia là cái gì”. Bỗng nhiên, đây chẳng còn là một trò đùa nữa, bó biến thành một luận điểm sắc bén giải thích tại sao người ta lại thích cầm cái điện thoại trên tay để xem Facebook có gì đến thế. Binky cho phép ta trải nghiệm một cảm giác quen mà lạ, lướt trên một ứng dụng chỉ vì những nút bấm kia có hiệu ứng nào đó (chứ chẳng có tác dụng gì), chứ không phải lướt để thu thập về những nội dung mới về xã hội hiện nay.
Cũng như điếu thuốc lá của cái thời chưa có điện thoại, nó cũng cho ta một cái gì đó để nghịch cho đỡ buồn chân buồn tay. Điện thoại thông minh thời nay là như vậy, ta dùng nó mở mọi nơi mọi lúc với mục đích cho những ngón tay buồn chán kia việc để làm.
Dạo gần đây, có những cách thức mới nhằm “chữa” chừng buồn chân tay này. Ta có fidget cube rồi fidget spinner, cốt để tạo việc cho những ngón tay của mình, thậm chí là cố gắng chữa luôn việc nghiện smartphone. Nhưng đáng buồn thay, những thứ đồ chơi nhỏ con kia không làm được những gì mà smartphone đã rất thành công, đó là quy chuẩn hóa những nỗ lực hoạt động chẳng mất nhiều công sức.
Những thứ như ấn, kéo lướt trên màn hình, like/thả tim này kia hay thậm chí, đọc cả những nội dung mới xuất hiện, smartphone làm được còn hiển nhiên những thiết bị fidget kia thì không. Nhờ có Binky, biết đâu ta sẽ có một phương thuốc bất ngờ không ai ngờ tới? Biết đâu nó sẽ cho ta trải nghiệm việc làm mọi việc vô nghĩa kia, để thấy được rằng việc ta làm mọi khi cũng vô nghĩa tương tự?
Theo GenK