Vào đầu năm 2022, tỉnh Bình Thuận đã thành lập Tiểu ban an toàn, an ninh mạng nhằm đấu tranh phòng chống với tội phạm công nghệ cao. Đồng thời, hàng năm tỉnh đã ban hành các văn bản về kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số, Chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng dẫn, đôn đốc các sở ngành và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn thông tin trên môi trường mạng.

cntt-binh-thuan-1.jpg
Tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính.

Đến nay, 100% sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao và kết nối mạng WAN tỉnh bằng đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định; 100% UBND cấp xã có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; hệ thống Hội nghị truyền hình tiếp tục phục vụ có hiệu quả các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương với tỉnh; giữa UBND tỉnh với 10/10 UBND huyện, thị xã, thành phố.

Đến nay toàn tỉnh đảm bảo 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, xã có máy tính (1 máy tính/người). Ngoài ra, từ năm 2019 các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã triển khai đầu tư bổ sung nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị CNTT cho Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã theo lộ trình đầu tư trong Đề án nâng cấp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Đặc biệt, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã triển khai phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh có hơn 40 máy chủ và nhiều thiết bị mạng, thiết bị bảo mật chuyên dụng duy trì hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, bảo đảm ngăn ngừa các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Cùng với việc tập trung triển khai ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng Internet đã được tỉnh Bình Thuận tăng cường trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

Với tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị phải được đánh giá hiện trạng và khả năng bảo đảm an toàn thông tin mạng, dự báo các nguy cơ, sự cố, tấn công mạng có thể xảy ra để đưa ra phương án ứng phó, ứng cứu sự cố kịp thời, phù hợp.

Theo đó, công tác ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng phải tuân thủ theo quy chế, quy định pháp luật, tổ chức ứng phó kịp thời, nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả. Hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động. Thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn thông tin giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan điều phối quốc gia về ứng cứu sự cố (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND tỉnh và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan như các cơ quan, đơn vị, phải tuân thủ các quy định pháp luật về điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Chủ động, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, đồng bộ và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ, chính xác, đồng bộ và hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Ứng cứu sự cố trước hết phải được thực hiện, xử lý bằng lực lượng tại chỗ và trách nhiệm chính của chủ quản hệ thống thông tin. Tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc ưu tiên về duy trì hoạt động của hệ thống thông tin đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch ứng phó sự cố. Thông tin trao đổi trong mạng lưới phải được kiểm tra, xác thực đối tượng trước khi thực hiện các bước tác nghiệp tiếp theo.

Bên cạnh đó cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác an toàn, an ninh mạng, chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

UBND tỉnh còn giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thông tin mạng. Tham mưu đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Gắn kết công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng với công tác triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời chủ động rà soát, phát hiện và xử lý, hoặc đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên môi trường mạng thuộc lĩnh vực an toàn thông tin mạng...

Duy Khánh và nhóm PV, BTV