Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Thuận về Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đã đề ra mục tiêu chung là: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; từng bước nâng cao điều kiện sống, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo, nhất là ở các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư.
Nghị quyết cũng đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 1 - 1,2%/năm (riêng đối với xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) giảm bình quân từ 2 - 3%/năm) theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 -–2020; Giảm từ 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (20% trở lên) xuống còn 5 xã vào cuối năm 2020; Hỗ trợ 7.400 lao động thuộc hộ nghèo được học nghề, tạo việc làm (giai đoạn 2016 - 2020); Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; v.v...
Đồi cát Bình Thuận |
Từ nghị quyết đến thực tiễn
5 năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và các Quyết định, Kế hoạch của UBND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, các chính sách giảm nghèo được triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách BHYT đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với học sinh, sinh viên.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã bám sát nhiệm vụ được giao theo từng Dự án của Chương trình, qua đó triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung triển khai chính xác đến các hộ đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị.
Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã giải ngân 1.243 tỷ đồng đến 38.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Bình quân, một hộ vay 32,6 triệu đồng để sản xuất kinh doanh. So với mục tiêu Dự án được phê duyệt, nguồn vốn và đối tượng cho vay đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ về mặt y tế cũng đã giúp người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được tiếp cận, cải thiện một số nhu cầu thiết yếu chính đáng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã cấp 117.726 thẻ BHYT cho người nghèo và 130.150 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo để được khám, chữa bệnh miễn phí. Đồng thời, các cơ sở y tế đã thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại những địa phương còn khó khăn này.
Phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự quan tâm rộng lớn, đã tạo ra những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua của nhân dân trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” luôn được các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng tích cực và ủng hộ nhiệt tình. Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã vận động được trên 55 tỷ đồng vào nguồn quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách có công.
Việc triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo đã làm cho đời sống, thu nhập của người dân, nhất là người nghèo được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,81% đầu năm 2016 xuống còn 1,92% cuối năm 2019, ước cuối năm nay 2020, tỷ lệ này sẽ giảm 0,6% xuống còn 1,32%.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, Bình Thuận đề ra định hướng tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững; trong đó phấn đấu mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,7% - 1%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm hỗ trợ người nghèo ổn định cuộc sống, có việc làm, thu nhập ổn định.
Xuân An