Nhiều mục tiêu tham vọng
Ngày 27/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.
Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về kinh tế, Bình Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5 - 8,0%, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4 - 0,6%/năm (theo chuẩn nghèo từng thời kỳ). Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại…
Trong các mục tiêu phát triển, Bình Thuận ưu tiên cho chiến lược kinh tế biển (du lịch biển; năng lượng tái tạo, năng lượng mới có yếu tố biển). Ví dụ, Bình Thuận muốn sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia; ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG. Như vậy, khu vực ngoài khơi biển Bình Thuận sẽ có thêm nhiều nhà máy điện gió trong tương lai.
Về du lịch biển, Bình Thuận phấn đấu trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Trong đó, giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận "An toàn - thân thiện - chất lượng", với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh (một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Đánh thức tiềm năng 2 khu bảo tồn biển
Đáng chú ý, trong quy hoạch này yếu tố môi trường biển và khai thác tài nguyên biển cũng được Bình Thuận hết sức chú trọng. Trước đó trong số 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam được quy hoạch phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025 của Chính phủ, Bình Thuận có 2 khu bảo tồn biển là Cù Lao Câu (Cù Lao Cau hay Hòn Cau ở huyện Tuy Phong – đã đi vào hoạt động) và khu bảo tồn Phú Quý (huyện đảo Phú Quý – đang chuẩn bị thành lập).
Đảo Phú Quý vốn là miệng núi lửa, có 2.300 ha là thềm lục địa. Điểm cao nhất trên đảo là núi Cấm cao 106 m. Hòn đảo được bao quanh bởi đai san hô dày, điểm sâu nhất là 42 m. Các vùng nước biển xung quanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nham thạch. Về phía tây bắc đảo, và trong ranh giới khu bảo tồn biển có nhiều dải đá ngầm. Đối với giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn biển đảo Phú Quý (mới đang dừng ở bảo tồn cấp tỉnh) trong tương lai là điều không phải bàn cãi.
Cụ thể, qua điều tra sơ bộ khu vực đảo Phú Quý đã ghi nhận được 70 loài thực vật ở cạn, 72 loài tảo biển, 134 loài san hô cứng và 15 loài nhuyễn thể. Đặc biển, có một khu vực san hô rộng lớn ở vùng biển ngoài khơi của đảo Phú Quý, tại đó có các loài Acropora spp và Pocillopora spp chiếm ưu thế. Ngoài ra, tận cùng phía tây của đảo Phú Quý có một dải đá ngầm bằng phẳng rộng tới 600 m tạo thành một dải đầm phủ đầy thảm cỏ biển.
Với Cù Lao Câu hay còn gọi là Hòn Cau, nơi đây có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao. Trên 225 loài san hô đã được xác định, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Cù Lao Câu. Đặc biệt tại đây cũng là nơi có rùa biển đẻ và loài trai tai tượng khổng lồ phân bố khắp khu vực. Đáng mừng hơn các rạn san hô ở Cù Lao Câu có độ che phủ đến khoảng 43% diện tích khu bảo tồn, với hơn 65 chi (Acropora, Montipora, Porites, Favia và Goniopora) và 1 thảm cỏ biển rộng lớn không thua kém ở Phú Quý.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, với 2 khu bảo tồn Phú Quý và Cù Lao Câu – hai viên ngọc quý của tỉnh, thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch biển gắn với các khu bảo tồn biển. Đánh thức tiềm năng của 2 khu bảo tồn biển, quyết tâm đưa du lịch biển đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của địa phương.