Tỉnh Bình Phước có 258,939km đường biên giới, tiếp giáp ba tỉnh Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum của Campuchia. Khu vực vùng biên của Bình Phước gồm 15 xã thuộc ba huyện, phần lớn còn khó khăn, thiếu thốn điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch và sóng viễn thông.
Dọc biên giới, Bình Phước dự kiến xây dựng 53 trạm BTS. Từ năm 2020 đến nay xây dựng và đưa vào hoạt động 38 trạm, chủ yếu ở huyện Lộc Ninh. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước đang tiếp tục triển khai các trạm còn lại theo Đề án Xây dựng hệ thống thông tin khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc đưa sóng lên tuyến biên giới gặp không ít khó khăn do địa hình phức tạp, nhiều khu vực đến nay vẫn chưa có điện lưới để duy trì hoạt động của các trạm phát sóng BTS. Thế nhưng, với quyết tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị, chiến dịch “cõng sóng” lên vùng biên đã và đang được đẩy mạnh, với mong muốn người dân vùng biên giới, vùng sâu sớm được tiếp cận sóng di động, công nghệ thông tin, để “không một ai bị bỏ lại phía sau.”
Ấp Cần Dực (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh) là địa bàn giáp biên, hiện vẫn chưa có điện và sóng viễn thông. Do đó, chiến sĩ tại chốt dân quân thường trực của xã Lộc Thành (đóng tại ấp Cần Dực) mỗi lần muốn báo cáo tình hình đều phải di chuyển bằng xe máy hơn 10km ra trung tâm xã, đường đi lại rất khó khăn. Vào giữa tháng 2 vừa qua, Viettel Bình Phước khánh thành, đưa vào vận hành trạm BTS tại khu vực này. Theo Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Điểu Song, trạm BTS ở ấp Cần Dực đi vào hoạt động đã giúp nhân dân trong vùng có cơ hội tiếp cận được sóng 4G. Công tác chỉ đạo, báo cáo của chốt dân quân thường trực cũng trở nên thuận tiện hơn nhiều.
Đồn Biên phòng Đắk Nô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước) đóng trong vùng lõi rừng quốc gia Bù Gia Mập là đồn biên phòng thành lập muộn nhất tỉnh Bình Phước (tháng 11/2019). Khi thành lập đồn, tại khu vực này được mệnh danh là “vùng 3 không”: Không điện, không nước sạch và không sóng di động. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Đắk Nô cho biết, mặc dù thành lập sau nhưng Đồn Biên phòng Đắk Nô được ưu tiên sử dụng sóng di động 4G sớm. Đây là một nguồn động viên lớn để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Đưa sóng di động lên tuyến biên giới ngoài phục vụ nhiệm vụ an ninh-quốc phòng, phục vụ nhu cầu sử dụng sóng di động 4G của nhân dân, cũng là nỗ lực của Bình Phước trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước đang phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các trạm thu phát sóng di động với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau.” Các doanh nghiệp viễn thông trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành với tỉnh để sớm đưa “trạm BTS thu phát sóng di động phủ sóng biên giới” đi vào hoạt động, hoàn thiện việc phủ sóng suốt chiều gần 260km đường biên giới Bình Phước.