Bình Phước là tỉnh miền núi nằm ở miền Đông Nam bộ, có đường biên giới dài 258,939 km với Vương quốc Campuchia với 15 xã biên giới.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh có 58 xã, phường, thị trấn thuộc ba khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có 46 thôn ấp đặc biệt khó khăn (trong đó có 21 thôn thuộc 5 xã đặc biệt khó khăn).

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 02 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm từ 1.000 hộ trở lên.

Để triển khai mục tiêu này, từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Và bắt đầu từ thời điểm đó, Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số được thực hiện, trở thành chương trình đặc thù riêng của tỉnh, tạo được sự bứt phá trên nhiều phương diện.

W-anhnha.png
Khu bảo tồn văn hoá dân tộc Stiêng Sok Bom Bo

Sau khi thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, kết quả giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn đạt được theo xu hướng tăng dần cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể trong 3 năm (2019-2021) với tổng nguồn vốn bố trí thực hiện là 277 tỷ đồng để hỗ trợ gần 10.000 nhu cầu của người dân, như: hỗ trợ đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, kéo điện, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi tín dụng, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện để hộ nghèo dân tộc thiểu số có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả toàn tỉnh giảm 3.258 hộ nghèo dân tộc thiểu số, bình quân mỗi năm giảm 2,36%, đạt 118% kế hoạch giao. Riêng năm 2021, toàn tỉnh giảm 1.287 hộ/1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số (đạt 129% kế hoạch đề ra).

Năm 2023, tỉnh sẽ phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn được giao, theo đó thực hiện giảm 1.005 hộ nghèo dân tộc thiểu số với các nhu cầu cụ thể như: Hỗ trợ đất ở cho 249 hộ; giải quyết nhà ở cho 911 hộ (xây mới 631, sửa nhà cho 280 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.840 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.541 hộ, xây dựng 7 công trình giếng nước sinh hoạt tập trung; thực hiện 5 dự án quy hoạch, bố trí, ổng định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, biên giới và những nơi cần thiết; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi… cùng một số nội dung khác của Chương trình MTQG 1719.

Bên cạnh đó, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp tục được UBND tỉnh Bình Phước thông qua với tổng nguồn vốn 120,6 tỷ đồng. Theo đó, các đơn vị, địa phương đã khéo léo, thực hiện lồng ghép nguồn vốn này cùng với các dự án đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 để có được sự trợ giúp tốt nhất cho người dân.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV