Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế, thời cơ, cũng như động lực tạo đột phá trong phát triển, những năm qua, Bình Phước đã nỗ lực thực hiện CĐS trên các lĩnh vực, ghi dấu nhiều bước tiến trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN), tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tiến nhanh, bền vững. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng KHCN và số hóa trên mọi lĩnh vực.

Nhiều kết quả nổi bật

Hiện tỉnh đã hoàn thành phủ sóng 3G/4G và bước đầu triển khai mạng 5G tại các đô thị, khu công nghiệp, biên giới và các vùng lõm sóng.

Từ năm 2020, tỉnh đã quan tâm triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, hỗ trợ giám sát, ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Đến nay, 11 trung tâm IOC cấp huyện cũng đã thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả.

Nhằm góp phần minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh CĐS, tỉnh đã cung cấp 1.044 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 310 dịch vụ công trực tuyến một phần, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số minh bạch, hiện đại.

Song song đó, năm 2024, mạng truyền số liệu chuyên dùng được phủ sóng tới 310 cơ quan, đơn vị; chữ ký số cấp cho 3.820 tổ chức, cá nhân...

image002_05243410012025.jpg
Đến nay, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN, các ứng dụng IoT (internet vạn vật), Big data (dữ liệu lớn) và Blockchain (chuỗi khối) đã được áp dụng thành công trong quản lý sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như điều, tiêu, cao su.

Tỉnh đã đẩy mạnh phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học để chuyển giao KHCN trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Quan tâm phát triển các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho nông sản địa phương, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm CĐS toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính đến tháng 10-2024, có hơn 1,1 triệu giao dịch trên sàn TMĐT (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…), với số tiền giao dịch thành công ước 236.744 tỷ đồng.

Riêng sàn giao dịch nông sản tỉnh đã hỗ trợ 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm bán trên sàn. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm triển khai các giải pháp y tế thông minh như bệnh án điện tử, kiosh y tế thông minh, khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng quản lý sức khỏe cộng đồng.

Bình Phước được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tích cực về CĐS, minh chứng qua các giải thưởng như: Đồng Xoài vinh dự được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” năm 2023.

Năm 2024, tỉnh được Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024. Năm 2020, xếp 25/63 tỉnh, thành về mức độ CĐS cấp tỉnh (DTI); năm 2021 xếp 9/63, năm 2022 xếp 12/63.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, tỉnh gặp không ít khó khăn và thách thức.

Cụ thể, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, một số khu vực vùng sâu, xa còn thiếu kết nối internet băng thông rộng, gây khó khăn cho việc triển khai các ứng dụng KHCN.

Lực lượng cán bộ chuyên trách về KHCN và CĐS tại địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào lĩnh vực KHCN và CĐS vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả…

Ðưa nghị quyết vào cuộc sống

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và CĐS quốc gia xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; cùng với đó là 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57, tỉnh Bình Phước cần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển hạ tầng số, ứng dụng công nghệ hiện đại; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số; hỗ trợ CĐS trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư.

Tập trung triển khai mạng 5G toàn tỉnh vào năm 2025, ưu tiên các khu vực kinh tế trọng điểm. Xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm Dữ liệu tỉnh, tích hợp toàn bộ dữ liệu hành chính công, kinh tế và xã hội. Trong thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng KHCN, cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ IoT và Blockchain vào nông nghiệp thông minh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Song song đó, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo lớn trong nước để mở các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân, đặc biệt là người lao động tại các khu công nghiệp và nông thôn.

Có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các gói tài chính và kỹ thuật để doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ số trong quản lý và sản xuất. Phát triển các nền tảng TMĐT và ứng dụng số để tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và thị trường.

Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đổi mới sáng tạo, Bình Phước đang đặt nền móng vững chắc để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng KHCN và CĐS. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều quan điểm chỉ đạo đáng chú ý. Nghị quyết nhấn mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CÐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CÐS.

Theo Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước (Báo Bình Phước)