Tỉnh Bình Phước là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 40 thành phần dân tộc thiểu số, với 198.884 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh.
Với quyết tâm giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh và đang nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, phong trào “Toàn dân chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” thời gian qua, đã được sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh Bình Phước. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, nhất là với các hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó, tiếp tục đưa ra các mục tiêu cụ thể về công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh phấn đấu giảm tối thiểu 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn; giải quyết đất ở cho 48 hộ; giải quyết nhà ở cho 629 hộ (xây dựng mới nhà ở cho 431 hộ và sửa chữa nhà ở cho 198 hộ); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.300 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.310 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung với 4 công trình.
Trước đó, năm 2019, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng 1.000 km đường bê tông nông thôn và xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số” trên toàn tỉnh trong năm 2019 và đầu năm 2020. Phong trào này đã thực sự góp phần chuyển biến tích cực đời sống của người dân vùng nông thôn, đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xoá nghèo bền vững ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tới đây, Bình Phước tiếp tục đầu tư các dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc, biên giới và những nơi cần thiết; phấn đấu có trên 70% thôn có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số của tỉnh tăng trên 02 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1.000 hộ trở lên; 100% số hộ đồng bào được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 100% thôn, ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố, trang bị đủ các hạng mục thiết bị học tập; 100% trạm y tế cấp xã được trang bị các máy móc, đào tạo nâng cao chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho đồng bào.
Để đạt được mục tiêu trên, Bình Phước tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn...
Quý 1 vừa qua, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, tình hình đời sống, sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cũng trong quý, chưa phát hiện trường hợp cầm cố, sang nhượng đất, bán điều non, vay tiền lãi suất cao liên quan tới đồng bào DTTS.
Vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2022, do ngân sách Trung ương hỗ trợ đến ngày 7/4/2023, giải ngân đạt 45,68%. Vốn năm 2023, tỉnh đã phân bổ (đợt 1) 231 tỷ 449 triệu đồng, hiện nay, các địa phương đang triển khai các bước để thực hiện phân bổ nguồn vốn theo quy định và triển khai chuẩn bị đầu tư.